Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương hiệu cho hàng nông sản: Dựng đã khó, giữ càng khó hơn
05 | 10 | 2007
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu hàng nông sản của Việt Nam không sớm được nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì sẽ khó cạnh tranh với hàng nông sản của Thái Lan và nhiều nước khác. Trong khi đó, nông dân đang gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hàng nông sản.

Xây dựng thương hiệu: Cần định hướng chiến lược

Gần đây, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đã chú trọng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tuy nhiên, mới chỉ chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, có tên tuổi và có tiềm lực về tài chính.

Ông Nguyễn Minh Thương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng thành phố Cần Thơ, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn cao hơn, tương đương với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Thương, trong điều kiện xuất phát điểm của các doanh nghiệp còn thấp, thì các doanh nghiệp nên tập trung vào các việc nằm trong khả năng của mình. Việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm là rất cần thiết và không nhất thiết phải tốn quá nhiều chi phí mới làm được. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể tham gia các giải thưởng, bình chọn danh hiệu như: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, 100 thương hiệu mạnh Việt Nam… để làm mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

Theo ông Huỳnh Hữu Chí, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nông trường Sông Hậu, xây dựng thương hiệu không khó, cái khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng, mà muốn vậy, phải bảo đảm chất lượng của sản phẩm đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường đòi hỏi. Chọn thương hiệu chủ lực và có định hướng chiến lược thì việc giữ vững thương hiệu không khó khi Việt Nam gia nhập WTO.

Những khó khăn…

Hiện nay, chính tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết… đã dẫn đến nguồn nguyên liệu không đồng đều, chất lượng không ổn định, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường… Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Vấn đề tổ chức nguồn nguyên liệu đầu vào và sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành ổn định đang là bức xúc của nhiều doanh nghiệp.

Chị Phạm Kiều Phương, chủ cơ sở sản xuất gấc tươi Kiều Phương ở phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết: "Khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu trái gấc không ổn định do ở đồng bằng sông Cửu Long, việc trồng gấc chưa phát triển đại trà. Vì thế, cơ sở chưa dám phát triển mạnh thương hiệu và ký các hợp đồng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Mặt khác, cơ sở cũng đang thiếu vốn để nâng cấp thiết bị sản xuất, mở rộng thêm nhà xưởng, máy móc".

Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cả các nhà quản lý vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hoá. Nhiều thương hiệu hàng nông sản sau khi xây dựng thương hiệu xong đã cho thấy thiếu tính chuyên nghiệp. Theo khoa Thuỷ sản (Đại học Cần Thơ), điều quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu là sự rõ ràng, minh bạch. Chẳng hạn, xây dựng thương hiệu cho cá da trơn cần phân biệt rõ giữa các tra và cá ba sa, nếu không có thể khi vào WTO, nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. Để nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên các sản phẩm cá da trơn, cần phải quan tâm cả quá trình sản xuất: từ cá giống bố mẹ, con giống, thức ăn cho cá… đến thành phẩm. Còn quản lý chất lượng các bằng cách, tới khi xuất bán mới bắt cá lên kiểm tra là chưa ổn.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu hàng nông sản của Việt Nam không sớm được nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì sẽ khó cạnh tranh với hàng nông sản của Thái Lan, và nhiều nước khác. Trong khi đó, từ khâu nguyên liệu đầu vào, ngay cả nông dân cũng đang gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hàng nông sản. Ông Huỳnh Văn Sắt, nông dân ở khu vực Thới Bình A, phường Thới An, quận Ô Môn, nói: “Nhiều nông dân thực sự đang bế tắc trước việc nâng cao chất lượng hàng nông sản do thiếu kỹ thuật, thiếu các loại giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo và ổn định về chất lượng. Hiện nông dân sản xuất lúa muốn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mùa vụ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cũng đang gặp khó về điều kiện đất đai và đầu ra cho sản phẩm”./.



VOV
Báo cáo phân tích thị trường