Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tín dụng nông thôn - đồng hành cùng "tam nông" phát triển
11 | 08 | 2009
Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là tín dụng nông thôn) là vấn đề rộng lớn, một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của "tam nông". Do đặc thù của Tiền Giang - xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, chính vì vậy phát triển "tam nông" luôn được tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà - và nhiệm vụ này ngày càng cấp bách hơn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi Tiền Giang cùng cả nước gia nhập WTO.

 Hiện nay, tỉnh có hơn 3/4 dân số sống ở nông thôn, không ít trong số đó là người nghèo và "thiếu vốn" là khó khăn lớn nhất để họ có thể thoát nghèo. Thực tiễn trên địa bàn Tiền Giang, tín dụng nông thôn bao gồm cả tín dụng chính thức và tín dụng "phi chính thức" - trong đó tín dụng chính thức giữ vai trò quyết định đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là hoạt động cho vay của một số tổ chức tài chính như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ tín dụng nhân dân.v.v...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang thì nguồn vốn tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng (kể cả các ngân hàng cổ phần) dành cho nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh ngày càng lớn và dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng dư nợ cho vay, luôn chiếm trên 70%. Cụ thể: Năm 2005 dư nợ cho khu vực "tam nông" là 1.669,45 tỷ đồng (79%), năm 2006 là 1.743 tỷ đồng (80%), năm 2007 là 1.876,2 tỷ đồng (88,5%) và Quý I/2009, do tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân nên phần "vay thông thường" sụt giảm, doanh số cho vay hộ nông dân là 1.171 tỷ đồng, chiếm 61% trên tổng dư nợ cho vay, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng khách hàng vay để sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là không để thiếu vốn trong thời vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, mạng lưới ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tiền Giang, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tiền Giang, Quỹ tín dụng nhân dân .v.v... đã phát triển rộng khắp địa bàn tỉnh, nhiều chi nhánh cấp III hoặc phòng giao dịch đã đến tận xã, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó các đơn vị tín dụng cũng đã áp dụng nhiều hình thức cho vay đa dạng, phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp trong hoạt động tín dụng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... từ đó các đối tượng khách hàng nhất là hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đáp ứng vốn khá tốt.

Chỉ trong 3 năm (2006-2008), số vốn cho hộ nông dân vay trong lĩnh vực này đạt 5.644 tỷ đồng, chiếm trên 88% doanh số cho vay, đã tạo điều kiện cho 428.622 lượt hộ nông dân được vay đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mùa vụ; đồng thời, tiếp tục mở rộng ngành nghề nông thôn, góp phần làm tăng thu nhập và cải thiên đời sống, tỷ lệ nợ quá hạn vẫn trong vòng kiểm soát được: theo báo cáo do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang ký ngày 8/7/2009 thì doanh số cho 90.089 hộ nông dân vay từ đầu năm đến ngày 30/6/2009 là 1.570,7 tỷ đồng; trong đó có 5.860 hộ nợ quá hạn với số tiền 83,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 5,2%. Ngoài ra, các đối tượng cho vay của hệ thống tín dụng nông nghiệp-nông thôn không còn đơn lẻ như những năm trước mà đã được mở rộng như cho vay xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vay phục vụ tiêu dùng, vay phát triển ngành nghề,... đã giúp kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch đáng kể.

Có thể nói, hoạt động tín dụng ngân hàng giờ đây đã thực sự gần với bà con nông dân hơn và góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Vốn tín dụng ngân hàng đã tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, từng bước hình thành các vùng chuyên canh về cây ăn trái, vùng lúa chất lượng cao và đặc sản xuất khẩu, nuôi thủy sản,...góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn Tiền Giang.

Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, Tiền Giang đã triển khai thực hiện tốt các chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân của Thủ tướng Chính phủ - nhất là hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp và nông dân mua sắm thiết bị nông cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ khâu gieo trồng, đến thu hoạch chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Theo báo cáo của Ngân hàng, 6 tháng đầu năm dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 4.627 tỷ đồng, chiếm 43,15% trên tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 4.457 tỷ đồng với 50.001 khách hàng. Riêng dư nợ cho theo Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tính đến cuối tháng 7 chỉ mới đạt 2,36 tỷ đồng với 44 khách hàng, nguyên nhân do thủ tục hồ sơ khó khăn, nhất là quy định người vay phải có chứng từ hóa đơn đỏ mua vật liệu xây dựng (qua tìm hiểu thực tế cho thấy, muốn có hóa đơn người mua phải trả thêm ít nhất 5% so với giá mua lẻ không hóa đơn, trong khi mức hỗ trợ lãi suất chỉ có 4%, chưa chi đã "lỗ" 1%!) và quy định thiết bị, vật tư mua phải được sản xuất trong nước - điểm này chưa được cụ thế hóa thế nào là "phải được sản xuất trong nước" vì máy móc có thể có một số bộ phận chi tiết ráp nối được sản xuất ở nước ngoài!. Được biết vấn đề này đang được Trung ương chỉ đạo tháo gỡ.

Hiện nay những hộ nông dân có điều kiện (về nhân lực, sức khỏe, học vấn, nghề nghiệp, trình độ am hiểu thiết bị cơ khí, có chí hướng làm ăn lớn...) có nhu cầu mua sắm nông cụ để cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy năng suất lao động, hạ giá thành, đem lại thu nhập cao là khá lớn và cản trở duy nhất đối với họ chính là...vốn!. Chính vì vậy rất cần các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tiếp tục phát huy vai trò cao hơn nữa, kể cả mở rộng các hình thức cung cấp tín dụng đa dạng như liên kết giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và người tiêu dùng sản phẩm thông qua hình thức mua bán hàng trả góp; đẩy mạnh hoạt động thuê mua tài chính để vừa giúp các doanh nghiệp của khu vực tư nhân ở nông thôn - kể cả các trang trại nông nghiệp bớt khó khăn về vốn, vừa có điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp để tạo điều kiện cho tam nông tiến thật nhanh, thật mạnh, nông dân vươn lên làm giàu, nông thôn ngày càng nhanh đổi mới...



Theo TGonline
Báo cáo phân tích thị trường