Sau khi HTX đón giấy chứng nhận Global GAP, Cty Gentraco ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa của HTX với giá cao hơn giá trên thị trường 20-25%. Hai bên còn đặt kế hoạch, phát triển cánh đồng Global GAP lên 50 ha vào cuối năm 2010.
HTX lúa-tôm Hòa Lời ở xã Ngọc Đồng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có 12 nông dân, hàng năm làm một vụ lúa một vụ tôm, nhưng riêng rẽ. Cuối năm 2009, chuẩn bị vào vụ lúa mùa, họ góp 20 ha nuôi trồng theo tiêu chuẩn Global GAP
Anh Lâm Văn Điền, xã viên của HTX Hòa Lời, cho biết: “Tôi có 26.000 m2 đất, nhưng chỉ góp 20.000 m2 vì chưa biết làm ăn thế nào. Kết quả, năng suất cao hơn lại được giá, phơi khô bán một lần cho đơn vị bao tiêu, lời gấp đôi năm trước”. Làm lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, nông dân phải thực hiện 214 tiêu chuẩn sản xuất, ban chủ nhiệm HTX phải thực hiện 141 tiêu chuẩn quản lý. Chẳng hạn, muốn hút thuốc, ăn uống phải có khu vực riêng và yêu cầu các hộ đều phải có nhà vệ sinh chứ.
Chủ nhiệm HTX Mai Văn Chánh cho biết, lúa trồng trên vuông tôm ít phải bón phân, ít sử dụng thuốc trừ sâu nên thuận lợi thực hiện Global GAP. Còn nuôi tôm trên đất sau trồng lúa tiêu chuẩn Global GAP cũng ít bị dịch bệnh nên thu lời khá. Những điều này khiến bà con hào hứng, sẽ mở rộng diện tích mùa tới. Khi bà con trồng được lúa đạt chuẩn, Cty Cổ phần Gentraco ở Cần Thơ đã có mặt hỗ trợ thu hoạch và bảo quản, mua giá cao hơn thị trường 20%. Với sản lượng 104 tấn, giá trị tăng thêm của nông dân hơn 135 triệu đồng. Lúa của HTX được Cty Gentraco nhanh chóng đóng gói với nhãn hiệu “Ngọc Đồng”, đưa vào hệ thống tiêu thụ.
Tổng giám đốc Cty Gentraco Nguyễn Trung Kiên cho biết, Cty và HTX Hòa Lời đã tính chuyện thành lập liên minh sản xuất gạo chất lượng cao. Tiếp đó, liên kết với các vùng lúa chất lượng cao đã có của Cty để xây dựng các công ty cổ phần nông nghiệp, nông dân làm chủ ruộng đất và cùng chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp.