Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN sau hai năm gia nhập WTO: Được nhiều, và không được cũng nhiều!
07 | 11 | 2008
Hôm nay 7-11, kỷ niệm chính thức hai năm VN được kết nạp vào WTO. Dưới nhiều góc nhìn khác nhau - từ các chuyên gia, người dân - đã cho thấy “cái được và mất” dù chưa rõ ràng nhưng cũng mang lại một bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế sau hai năm hội nhập.
* Ông NGÔ QUANG XUÂN (nguyên phó đoàn đàm phán, đại sứ đầu tiên của VN tại WTO):

Phải nhạy cảm hơn với mọi tác động

- Đã có nhiều đánh giá về cái được, cái chưa được sau hai năm gia nhập WTO, cả từ những chuyên gia và người có trách nhiệm trực tiếp tham gia. Nhưng theo tôi, cái được nhiều nhất là môi trường đầu tư VN, cơ chế pháp lý trong nước đã được cải thiện, phù hợp hơn với thông lệ thế giới khiến VN thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Chỉ có điều do đặc thù trong nước nên nhập siêu của ta cao. Cuối năm 2007 đến nay, VN cũng đã gặp phải những tác động mạnh từ biến động kinh tế toàn cầu.

* Nhưng thực tế góp phần vào việc nhập siêu còn do chính các bộ ngành vừa qua đã “vượt chỉ tiêu”, hạ thuế rồi mở cửa sớm hơn cả cam kết, trong khi trong nước chưa có sự chuẩn bị tốt?

- Thực tế có cơ quan, bộ ngành đã quyết định giảm thuế một số mặt hàng, hay cho doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài vào sớm hơn.

Tất nhiên khi mở cửa sớm có mặt lợi. Như lĩnh vực phân phối, ta cho họ vào, họ hoạt động bài bản, người dân được mua hàng giá rẻ. Nhưng ngược lại, họ luôn đặt mua theo hệ thống của mình để có giá rẻ nhất. Nếu nông dân, các nhà sản xuất VN không đáp ứng được, họ chủ yếu nhập hàng về thì đây là mặt trái phải tính. Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ VN bị cạnh tranh gay gắt. Cần hiểu không phải cứ vào WTO là nền kinh tế, sức cạnh tranh trong nước có thể sẵn sàng thực hiện các cam kết ngay. Nếu không cẩn thận, việc mở cửa sớm sẽ đem lại khó khăn cho các nhà sản xuất, nông dân trong nước, góp phần làm tăng nhập siêu.

Làm thế nào giải quyết mâu thuẫn: đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng nhưng đời sống nông dân không bị ảnh hưởng. Trong ảnh: nông dân chăn nuôi heo ở ấp 3A, xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: H.T.Vân
* Đàm phán gia nhập WTO rất khó khăn, nhưng khi đàm phán xong ta lại không theo lộ trình. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

- Ta có tới 10.600 dòng thuế trong cam kết. Mức giảm và lộ trình đưa ra có mục đích đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong nước. Tất nhiên khi triển khai phải tính toán tình hình thực tiễn. Nhưng bản thân những lợi ích trong cam kết tôi nghĩ không phải chúng ta đã phát huy hết.

Tôi chia sẻ ý kiến của nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, rằng cơ chế triển khai các cam kết gia nhập WTO ở VN chưa tốt, chưa đủ mạnh. Thậm chí, theo tôi, nó lỏng lẻo hơn lúc ta đàm phán.

Sau khi vào WTO, chúng tôi có tham gia vòng đàm phán Doha, nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương, cam kết của VN thuộc trách nhiệm của nhiều bộ ngành nhưng chúng tôi điện về, các bộ ngành thường trả lời rất chậm, thậm chí có nơi không trả lời. Điều này thể hiện bộ máy chỉ đạo, triển khai các cam kết, theo tôi, phải củng cố. Chiến lược chiến thuật đàm phán dù tốt mấy nhưng triển khai không tốt thì lợi ích có thể bị tổn hại.

* Nhiều hiệp hội cho rằng các quyết định giảm thuế, mở cửa sớm phải tính lại để tránh yếu tố xin - cho nào đó (nếu có) ảnh hưởng đến lợi ích chung?

- Đúng vậy. Lãnh đạo các đơn vị tham gia, liên quan quá trình gia nhập WTO của VN, cả lãnh đạo địa phương cũng cần xem kỹ các cam kết của VN về mọi lĩnh vực. Việc thực hiện thế nào không đơn giản, nó nằm ở nhiều bộ phận khác nhau nhưng theo tôi, vấn đề luôn ở khâu tổ chức chỉ đạo, sự phối hợp của bộ máy.

Trước mắt, những điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, thương mại, đầu tư thì nên theo đúng lộ trình ta đã cam kết, không nên đi nhanh hơn. Bởi ảnh hưởng của những cam kết này thật ra rất nghiêm trọng, tác động đến đời sống của người dân mà không phải lúc nào cũng có thể nhìn ra ngay. Lúa gạo, muối, thịt heo, rồi cả bò sữa... đang khiến người dân lao đao. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu khó khăn lớn từ thắt chặt tiền tệ, lãi suất. Nếu những người chịu trách nhiệm cụ thể hóa cam kết WTO hiểu sâu sắc các cam kết, nhạy cảm với mọi tác động tích cực, tiêu cực và luôn đi đúng đường thì dân được nhờ.

* TS luật NGUYỄN VÂN NAM (giám đốc Công ty luật Nam Hùng):

Chủ động chọn hướng phát triển

- Hai năm qua, ta mới chỉ bước đầu làm quen với trách nhiệm phải thực thi các cam kết WTO, cảm nhận một cách cụ thể tác động của cơ chế thị trường quốc tế đến thị trường nội địa. Sắp tới, VN phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều. Thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, nhưng kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng các nền kinh tế thị trường phát triển đều có những cải cách triệt để tạo đột phá mới.

Các nước sẽ tìm mọi cách để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời bảo hộ mạnh mẽ nền kinh tế quốc dân đã bị tổn thương. Đối với VN, đó sẽ là sức ép mạnh mẽ buộc tự do hóa thị trường nhanh hơn, rộng hơn; cắt giảm nhanh hơn, mạnh hơn thuế nhập khẩu mà đặc biệt là đối với nông sản thực phẩm; đó sẽ là rào cản cao hơn, phức tạp hơn đối với hải sản, nông sản xuất khẩu của VN. Ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi đàm phán trong khuôn khổ WTO về các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi được phép nhằm bảo vệ nông nghiệp của mình.

Hiện nay, dù các nước đang phát triển chiếm đa số trong WTO, nhưng thực tế việc đàm phán để bảo vệ quyền lợi của họ trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, thủy hải sản cũng như yêu cầu các nước phát triển nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp trợ giá nông sản... đạt được rất ít kết quả. Sau khủng hoảng hiện nay, tình hình đó sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Ta không nên trông chờ vào những thỏa thuận mới của WTO mà nên chủ động lựa chọn các hướng phát triển kinh tế mới khác không cạnh tranh với các nước đang phát triển.

* Cụ thể là đi theo hướng nào, thưa ông?

- Theo tôi, vừa qua chúng ta vẫn chỉ cố gắng đi theo con đường phát triển mà các nền kinh tế như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... đã đi. Họ khởi sự xây dựng kinh tế thị trường khi quá trình toàn cầu hóa chưa bắt đầu. Chúng ta bắt đầu chuyển đổi kinh tế trong tác động của toàn cầu hóa. Vì vậy, sẽ là bất thường nếu con đường phát triển của ta lại giống họ. Tôi nghĩ nếu VN trở thành trung tâm du lịch, trở thành vườn rau trái xanh sạch, vựa lúa cho thị trường thế giới thì thật tuyệt vời.

* Sẽ có được “chiến thuật” đúng đắn trên con đường phát triển nếu nhận rõ được điểm yếu của mình. Vậy theo ông, đâu là “gót chân Asin” của nền kinh tế VN?

- Thị trường tài chính - chứng khoán - bất động sản rất có thể là “gót chân Asin” của nền kinh tế VN trong thời gian tới. Cố tạo ra thị trường đầu cơ tài chính ngắn hạn như hiện tại để hấp dẫn nhà đầu cơ tài chính nước ngoài là việc làm hết sức nguy hiểm. Do vậy, cần đánh giá lại một cách khách quan chính sách tài chính - thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hiện nay. Chính sách này phải nhằm mục tiêu hỗ trợ có hiệu quả nâng cao sức sản xuất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp, tạo nguồn vốn ổn định an toàn cho họ.

* Như vậy trong tình hình hiện nay, VN cần làm gì để giảm bớt những tác động tiêu cực và tận dụng triệt để các cơ hội?

- Hiện tại, VN chỉ mới ở chặng đầu của quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng với quá trình hội nhập sâu hơn, ta chắc chắn phải đương đầu với những diễn biến phức tạp. Vì vậy Nhà nước cần dứt khoát với tư duy quản lý nền kinh tế đóng - cố gắng sản xuất tất cả những gì mình cần - đã lạc hậu, để chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả của một nền kinh tế thị trường mở chỉ sản xuất những gì mình sản xuất có hiệu quả nhất.

Ông LÊ VĂN LAM (nông dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp):

Đời sống có thay đổi nhưng rất chậm

Khi VN gia nhập WTO, tôi hi vọng sẽ được mua hàng nước ngoài giá rẻ, nông sản do chúng tôi làm ra có thể được xuất ra nước ngoài với giá cao hơn, thu nhập của người nông dân sẽ tốt hơn, đời sống sẽ được cải thiện. Tuy nhiên hai năm qua, cuộc sống của nông dân phát triển nhưng không thay đổi là mấy. Đường sá đỡ lầy lội hơn, điện, trường học tốt hơn nhưng nông dân vẫn nghèo, vẫn loay hoay với mớ nông sản mình làm ra nhưng chưa biết tiêu thụ ở đâu, vẫn phải mua phân bón với giá cao...

Người nông dân khi gia nhập WTO cũng như người con gái mới lớn chuẩn bị về nhà chồng. Tuy nhiên, vừa qua tôi chẳng được ai hướng dẫn gì cả. Chúng tôi vẫn sản xuất và mua bán theo kinh nghiệm như bao đời nay.

Năm nay lúa không bán được, nhiều người vì cần tiền để đầu tư vụ tiếp theo nên phải bấm bụng bán giá chỉ bằng phân nửa so với đầu vụ. Nuôi cá thì mãi chẳng có người mua. Thu nhập của nông dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nhưng đầu ra bấp bênh và khó khăn như thế nên đời sống của nông dân hết sức vất vả.

Lâu nay nông dân vẫn quen sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm, phần ai nấy bán. Hơn nữa, nhiều khi bà con còn trồng và nuôi theo phong trào dẫn đến việc khủng hoảng thừa. Phần vì nông dân không biết về nhu cầu thị trường, phần vì Nhà nước chưa có những định hướng cụ thể trồng cây gì, nuôi con gì, tiêu thụ ở đâu. Đó là một “dịch bệnh” nguy hiểm, Nhà nước cần ngăn chặn và chỉ ra cho người dân hướng đi hiệu quả nhất. Hai năm qua chưa ai chỉ cho chúng tôi những điều đó cả. Cái chúng tôi cần là Nhà nước định hướng trồng cây gì, nuôi con gì; hỗ trợ đầu vào bằng cách ổn định giá cả vật tư nông nghiệp, kiểm tra tốt khâu chất lượng; đầu ra được đảm bảo để nông dân yên tâm sản xuất.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường