Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội TÔN NỮ THỊ NINH, một nhân vật trong cuộc của hành trình vận động thông qua PNTR với VN, chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện hậu trường và cả những mối lo cá nhân từ tầm nhìn dài hạn.
Cuộc vận động để thông qua PNTR vừa qua là một sự hiệp sức mạnh mẽ giữa phía VN và bạn bè Mỹ bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cựu chiến binh Mỹ và bạn bè ủng hộ VN từ thời chiến tranh.
John McAuliff - người đứng đầu Quĩ Hòa giải và phát triển, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ - đã gửi email tới hàng trăm bạn bè kêu gọi họ điện thoại vận động nghị sĩ của mình vào buổi sáng hạ viện tiến hành bỏ phiếu về PNTR. Liên minh ủng hộ VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với sự góp mặt của nhiều tập đoàn “tai to mặt lớn” của Mỹ liên tiếp ra thỉnh nguyện thư. Có thể nói cuộc vận động đã nhận được rất nhiều nỗ lực cá nhân đáng ghi nhận.
Nhiều hồi “gay cấn”
Dù vậy, quá trình thông qua PNTR vẫn diễn biến đầy phức tạp. Trước hết, vấn đề PNTR với VN được đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm của tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ. Chính quyền Mỹ đang bị sút giảm uy tín do chính sách tại Iraq và bản thân nội bộ Đảng Cộng hòa (đảng từng nắm đa số tại quốc hội trước cuộc bỏ phiếu giữa kỳ hồi tháng mười một) cũng không còn đoàn kết như lúc đầu nhiệm kỳ.
Việc VN gia nhập WTO sau Trung Quốc cũng đem lại một số bất lợi. Trong quá trình vận động, nhiều nghị sĩ nói với tôi rằng tiền lệ của Trung Quốc (không thực hiện đúng cam kết gia nhập WTO) đã khiến họ cảnh giác hơn với VN và siết chặt việc thông qua PNTR. Mặc dù tôi phân tích ngay rằng qui mô kinh tế của VN nhỏ hơn Trung Quốc nhưng họ đáp trả bằng lập luận: “VN đầy triển vọng. VN tuy nhỏ hơn nhưng năng động không thua kém Trung Quốc”.
Quá trình này còn bị ảnh hưởng bởi vấn đề nhân sự tại Quốc hội Mỹ. Chủ tịch hạ viện Dennis Hastert - người đi thăm VN hồi tháng tư và rất ủng hộ PNTR với VN - vào thời điểm cao trào lại không còn nhiều tiếng nói do vướng chuyện nội bộ.
Tiến trình đưa PNTR ra bỏ phiếu còn bị chậm lại do chủ tịch Ủy ban Tài chính và thuế vụ hạ viện Bill Thomas muốn đưa cả hiệp định xúc tiến thương mại Mỹ - Peru ra xem xét cùng lúc với PNTR với VN.
Bên cạnh đó, sự vận động của một vài nhóm cực đoan trong cộng đồng người Việt cũng ảnh hưởng phần nào tới tiến trình bỏ phiếu. Trong lần bỏ phiếu tại Ủy ban Tài chính của thượng viện, một vài nghị sĩ đã không tham gia bỏ phiếu với lý do muốn “xem xét kỹ hơn về tự do tôn giáo tại VN”.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã đưa VN ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo (CPC) nhưng trong dự luật cuối cùng được thông qua tại hạ viện ngày 8-12 qua, một câu có nội dung về vấn đề này vẫn được đưa vào như là sự thỏa hiệp với một vài nghị sĩ.
Tuy nhiên, điều hơi bất ngờ với tôi là các nhóm chống đối tuy có bày tỏ quan điểm nhưng không đủ sức tập hợp lực lượng để thành một lực cản cụ thể.
Cuối cùng PNTR với VN đã được thông qua, đặt dấu chấm cho một quá trình với nhiều hồi gay cấn, nhiều dấu chấm hỏi và dấu lửng.
Mối lo
Không phải ngành nào cũng phấn khởi với việc thông qua PNTR. Ngành dệt may, trái lại, đang hết sức lo lắng. Để giải tỏa việc hai thượng nghị sĩ Elizabeth Dole và Lindsey Graham treo việc bỏ phiếu về PNTR, Chính phủ Mỹ đã cam kết hình thành một cơ chế giám sát đặc biệt cho phép Bộ Thương mại Mỹ được tiến hành điều tra nếu phát hiện thấy có dấu hiệu của việc VN bán phá giá hàng dệt may. Cam kết này là một ngoại lệ bởi theo qui định, các vụ điều tra bán phá giá phải được khởi xướng từ các doanh nghiệp.
Hiệp hội Dệt may có cơ sở để lo lắng bởi theo Hiệp định thương mại song phương BTA và Hiệp định dệt may ký với Mỹ năm 2003, VN đã tăng xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ rất nhiều và vẫn còn khả năng để tăng xuất khẩu hơn nữa.
Tôi nghĩ Chính phủ không còn cách nào khác là phải tập trung vào thiết lập chiến lược và kỷ cương trong việc xuất khẩu hàng dệt may nhằm đảm bảo không để mặt hàng này tăng xuất vào Mỹ đột ngột. Ngoài ra, cũng cần cấp tốc thuê chuyên gia để xác định các tiêu chí “phá giá” mà Bộ Thương mại Mỹ áp đặt.
Kinh nghiệm từ vụ kiện của Liên minh châu Âu (EU) về việc VN bán phá giá giày mũ da cho thấy một số cơ chế của VN nhằm khuyến khích doanh nghiệp như cho vay ưu đãi không được nước ngoài chấp nhận. Giờ chúng ta đã là thành viên của WTO, có các qui định của WTO về trợ cấp công nghiệp là khuôn khổ để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu thực hiện nghiêm ngặt, chúng ta sẽ giảm thiểu được nguy cơ đối mặt với các vụ kiện bán phá giá.
Tránh “lên gân” Trong chuyến đi Mỹ hồi tháng sáu, tôi có dịp được nói chuyện với ông chánh văn phòng hạ viện. Vào cuối tháng bảy, tôi đang đi công tác tại Singapore thì nhận được email của nhóm tư vấn Mỹ đề nghị tôi liên hệ gấp với ngài chánh văn phòng nhằm “thăm dò” liệu PNTR có được đưa vào chương trình làm việc của hạ viện trước khi bước vào kỳ nghỉ hè không. Sau khi tổng đài chuyển máy, tôi cũng hơi băn khoăn về việc liệu ông ấy có tiếp chuyện mình qua điện thoại hay không. Rất mừng là ông chánh văn phòng đồng ý nói chuyện. Qua trao đổi, ông đã nhắn gửi thông điệp rằng PNTR không nhiều khả năng được xếp lịch sớm. Tôi kịp thời chuyển thông điệp này về nước. Tôi nghĩ các mối quan hệ cá nhân có vai trò quan trọng trong các cuộc vận động hành lang. Bản thân tôi cũng rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình: nếu biết cách đặt vấn đề vừa phải, “không lên gân” sẽ nhận được các câu trả lời chân tình và không mang tính ngoại giao. |