Năm 2005, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nướcđạt 69,11 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 32,23 tỉ USD, tăng 21,6%, nhập khẩu 36,68 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2004.
Năm 2006, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 84 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 39,6 tỉ USD tăng 7,163 tỉ USD, tương ứng tăng 22,1% so với năm 2005, vượt gần 5% chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ giao, nhập khẩu 44,4 tỉ USD tăng 20,1% so với năm 2005. Loại trừ yếu tố giá cả, việc mở rộng thị trường đã góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu 4,222 tỉ USD.
Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống, cao su và cà phê lần đầu tiên đạt kim ngạch 1 tỉ USD. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD đã tăng từ 7 lên 9 nhóm, trong đó có bốn nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD là thủy sản, dệt may, giày dép và dầu thô.
Xuất khẩu đã tăng ở hầu hết các khu vực và đang chuyển dịch từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ, trong đó châu Á-Thái Bình Dương tăng 19%, châu Âu tăng 27%, châu Mỹ tăng 33,4%, châu Phi-Tây Nam Á tăng 77,1% so với năm 2005. Tuy vậy, châu Á – châu Đại dương vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 20,84 tỉ USD chiếm 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Mỹ đạt 9,2 tỉ USD chiếm 23,1%, châu Âu đạt 7,65 tỉ USD chiếm 19,2%, châu Phi-Tây Nam Á đạt 2,1 tỉ USD chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều thị trường mới, mặt hàng mới được khai thác rất có triển vọng, rõ nhất ở khu vực nam Mỹ, châu Phi, nam Âu, đông Âu, Nga và SNG. Cán cân thương mại đang được cải thiện. Tình trạng nhập siêu lớn từ châu Á đang được khắc phục từng bước, trong đó nhập siêu năm 2006 từ Singapore 4,6 tỉ USD, Trung Quốc 4 tỉ USD, Đài Loan 3,8 tỉ USD, Hàn Quốc 2,9 tỉ USD, Thái lan 1,9 tỉ USD, Hồng Kông 0,9 tỉ USD…
Hiện nay, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới và khu vực đã được khẳng định trong xu thế đan xen giữa chủ nghĩa bảo hộ và trào lưu tự do hoá thương mại.
Kết quả trên thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó, Bộ Thương mại đã triển khai hiệu quả các việc chính sau:
Cải thiện môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Trong hai năm 2005-2006, Bộ Thương mại đã trình Quốc hội thông qua Luật Thương mại sửa đổi và Luật Cạnh tranh; trình Chính phủ thông qua 21 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại mới và Luật Cạnh tranh; ban hành 13 Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính phủ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Chủ động tiếp tục tạo khung pháp lý về thị trường nước ngoài tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển. Đã đề xuất với Chính phủ và chủ trì đàm phán nhiều Hiệp định/thoả thuận thương mại quan trọng như Hiệp định tiếp cận thị trường với EU, Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Australia-New Zealand, Hiệp định hợp tác kinh tế-thương mại với Hungari, Séc, Bulgari, Slovenia, v.v... Đặc biệt, đã kết thúc đàm phán gia nhập WTO vào thời điểm phù hợp.
Với tư cách là Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại với các nước, Bộ Thương mại đã tích cực và chủ động đề xuất, trao đổi thống nhất với Chính phủ các nước về các giải pháp tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, đồng thời chủ động tổ chức triển khai thực hiện các cam kết, góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, khai thác tối đa lợi thế của hai bên.
Chủ động nghiên cứu đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước đối tác, đặc biệt các đối tác lớn. Cùng với tăng trưởng nhanh về xuất khẩu là sự gia tăng của các vụ kiện và tranh chấp thương mại, điển hình là vụ điều tra chống phá giá đối với giày mũ da, xe đạp, chốt cài inox, thủy sản của EU, thủy sản của Nhật Bản; vụ tàu Cần Giờ bị giữ tại Tanzania; vụ bắt giữ ông Bửu Huy - Phó giám đốc Công ty XNK thủy sản An Giang tại Bỉ, lệnh cấm nhập khẩu gạo của Nga, v.v. Trong các tranh chấp này, Bộ Thương mại đã chủ động đàm phán, đấu tranh, vận động, đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu từ các vụ kiện.
Đã triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại thuộc Chương trình này đã được triển khai có hiệu quả, đặc biệt về cao su, chè, thủy sản, thực phẩm chế biến, rau quả, sản phẩm công nghệ thông tin, đồ gỗ, lâm sản, dệt may, da giày, cà phê và sản phẩm điện tử, v.v... là các nhóm hàng cần đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2005 có 169 chương trình xúc tiến thương mại với tổng kinh phí 321,88 tỉ đồng do 28 đơn vị chủ trì thực hiện, tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga về đồ gỗ, hải sản, dệt may, giày dép.v.v... là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Năm 2006 có 61 chương trình với tổng kinh phí 140 tỉ đồng do 27 đơn vị chủ trì thực hiện về thủy sản, gạo, chè, rau quả, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm điện tử-tin học và một số mặt hàng mới xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, châu Phi và Trung Đông.
Năm 2007, công tác XTTM đã thay đổi cơ bản cách làm. Các chương trình XTTM đã được phê duyệt từ tháng 9/2006 sẽ thuận tiện cho việc triển khai thực hiện đồng thời tăng thêm đầu mối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vẫn còn nhiều việc phải hoàn thiện thêm, song các chương trình xúc tiến thương mại thời gian qua đã trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng tìm hiểu thị trường, phát triển xuất khẩu.
Bộ Thương mại cũng đã trình Chính phủ 2 đề án: đề án phát triển thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 làm cơ sở định hướng cho chính sách thương mại quốc gia và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu thị trường nước ngoài đã được triển khai mạnh, chủ yếu về chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, tập trung vào những mặt hàng lớn có tiềm năng vào những thị trường có nhiều khả năng xuất khẩu hàng hoá, nắm chắc diễn biến thị trường; phát hiện và đề xuất với Chính phủ các biện pháp liên quan đến phát triển thị trường, hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, thương mại của Việt Nam. Nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ và đơn vị, kể cả Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được nghiên cứu. Trong đó, đáng chú ý là các ấn phẩm của các Vụ thị trường ngoài nước thuộc Bộ Thương mại thực hiện.
Đó là các tài liệu liên quan đến chính sách thương mại, các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng như các thị trường Rumani, thị trường Hoa Kỳ, thị trường Canada, thị trường Đức, thị trường Thụy Sĩ, thị trường Ai cập, thị trường Du Bai, thị trường Nam Phi, thị trường Angiery.
Các tài liệu này đã hệ thống hoá các thông tin cơ bản về thị trường ngoài nước kèm theo các hướng dẫn cần thiết, có thể nói đây là các tài tiệu tham khảo rất thiết thực cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam.
Công tác thị trường ngoài nước hai năm qua đã có bước tiến quan trọng, đỉnh cao là kết thúc đàm phán Việt Nam gia nhập WTO. Ngày 11/1/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, ngày 9/12/2006 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua quyền thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam và ngày 21/12/2006 Tổng thống Bush đã ký đạo luật ban hành quyền PNTR cho Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch.
Nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ bùng nổ sau khi gia nhập WTO. Việt Nam sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam được hưởng quy chế tối huệ quốc, sẽ không bị phân biệt đối xử, hoàn toàn có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào khu vực thị trường rộng lớn của 149 nước khắp châu lục. Xuất khẩu có thể đạt 100 tỉ USD sau 5 năm, gấp 3 lần 2005.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội mới là các thách thức lớn hơn, phức tạp hơn nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết khi gia nhập WTO, đặc biệt về dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, phân phối, sở hữu trí tuệ v.v...Vào WTO đồng nghĩa với việc phải chấp nhận áp lực cạnh tranh gay gắt hơn và tranh chấp thương mại nhiều hơn, phức tạp hơn ở thị trường trong và ngoài nước, tác động rõ nhất là đối với một số nông sản và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong tình hình như vậy và theo kinh nghiệm của các nước, tiến trình hội nhập và thực thi các cam kết vào WTO đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm của toàn xã hội, cần có sự thay đổi lớn hơn về nhận thức, trình độ quản lý, khả năng tổ chức điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, khả năng thích ứng của doanh nghiệp để tận dụng cơ hội và đối phó được các thách thức đặt ra.
Nhiều phân tích cho rằng, bản đồ kinh tế, chính trị thế giới đang thay đổi theo hướng có lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển. Toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại đang là xu thế. Các hiệp định thương mại tự do khu vực (RTA), liên khu vực và tự do song phương (FTA) đang được đàm phán, đặc biệt khu vực châu Á, trong lúc vòng đàm phán Thương mại tự do toàn cầu của Doha đang bế tắc. Sắp tới, dự báo kinh tế thế giới sẽ vận động theo hướng chuyển mạnh từ Tây sang Đông, tăng khoảng 4,5% từ 2007 – 2010. Thương mại toàn cầu sẽ tăng khoảng 6,9%/ năm, trong đó các nước phát triển tăng 6,0%/năm và các nước đang phát triển là 9,9%/năm. Xuất khẩu của các nước phát triển dự kiến tăng 5,8%/năm, các nước đang phát triển tăng 11,5%/năm.
Mục tiêu tổng quát trong chiến lược Xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 là phát triển xuất khẩu với tốc độ cao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng tiềm năng, mặt hàng mới theo hướng nâng cao hiệu quả đi đôi với chuyển dịch cơ cấu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỉ trọng hàng thô hoặc sơ chế, tăng xuất khẩu dịch vụ, phấn đấu đến năm 2010 xuất khẩu hàng hoá đạt trên 80 tỉ USD, tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2006- 2010 tối thiểu 18%.