Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nga
18 | 01 | 2008
Năm 2007 đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Nga - Việt. Trong gần 50 năm qua Việt Nam là đối tác truyền thống, đầy triển vọng của Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay.

Nhờ sự hỗ trợ của Nga, Việt Nam đã xây dựng hơn 300 cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông liên lạc, cơ sở chiến lược y tế và văn hoá. Năm qua hai bên tiếp tục duy trì sự hợp tác này. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm chính thức Nga. Hai nước còn tổ chức Triển lãm Công nghiệp Quốc tế tại Hà Nội và Hội thảo Doanh nghiệp Nga-Việt tại thủ đô của 2 nước.

Năm 2007 Nga chủ yếu xuất sang Việt Nam thép tấm, sản phẩm dầu mỏ, thiết bị công nghiệp, phân bón và ô tô nguyên chiếc. Trong khi đó, Việt Nam đang lắp ráp xe tải Kamaz và xe địa hình Uaz của Nga. Nga cũng xuất khẩu thiết bị năng lượng sang Việt Nam và chiếm 45% tổng số thiết bị tại các nhà máy điện của Việt Nam. Gần 60% lượng dầu mỏ khai thác ở Việt Nam thuộc về Vietsovpetro ở Vũng Tầu. Năm 2007, ngoài Vietsovpetro, Nga còn có 54 dự án đầu tư với tổng vốn 300 triệu USD và đưa Nga đứng thứ 24 trong số 79 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tại Nga, có khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống và năm 2007 có 12 dự án của người Việt với tổng trị giá khoảng 79 triệu USD. Trong mối quan hệ hợp tác Nga-Việt, mỗi bên đều có những tiềm năng để mở rộng hoạt động. Việt Nam quan tâm xây dựng các cơ sở chế biến nông sản ở Nga, các nhà doanh nghiệp Nga sẵn sàng đầu tư phát triển, thăm dò mỏ than và các mỏ khác, lắp ráp, sản xuất ôtô và các loại máy móc kỹ thuật tại Việt Nam.

Về quan hệ hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam mong muốn phát triển hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực, mà trước hết là các lĩnh vực Nga có nhiều kinh nghiệm và tiềm năng. Đó là các lĩnh vực như thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí, năng lượng, luyện kim, công nghệ vũ trụ, khoa học, giáo dục và đào tạo cán bộ. Sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã có những bước đi cụ thể nhằm thực hiện các dự án triển vọng đã đề cập với Thủ tướng Mikhail Fradkov.

Hiệp hội các ngân hàng Nga đã ký thoả thuận hợp tác với Hiệp hội các ngân hàng Việt Nam. Hai nước đã nhất trí kế hoạch hoạt động chung về thương mại và đầu tư cho đến năm 2012. Các hãng lớn của Nga đã tham gia Hội chợ triển lãm công nghiệp ở Hà Nội và giới thiệu sản phẩm cũng như đưa ra nhiều đề xuất nhằm mở rộng quan hệ cùng có lợi với các đối tác Việt Nam. Trong số các hãng này có Tập đoàn Silovye Mashiny tại St Petersburg. Đây là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất và cung cấp thiết bị cho các nhà máy thủy và nhiệt điện, các nhà máy điện nguyên tử cũng như thiết bị tải và phân phối điện. Silovye Mashiny có nhiều tên tuổi từ lâu được người Việt Nam biết tới như nhà máy luyện kim Leningrad, nhà máy Electrosila, nhà máy sản xuất cánh tuốcbin. Trong hơn 40 năm qua các nhà máy này đã xuất khẩu thiết bị cho các nhà máy điện lớn nhất của Việt Nam như Hoà Bình, Trị An, Thác Bà, Phả Lại, Yaly.

Năm 2006 Việt Nam đã đưa vào vận hành 2 tổ máy tại nhà máy thuỷ điện Sesan 3, trong đó công suất của các tổ máy và thiết bị thuỷ điện mà Silovye Mashiny từng cung cấp cho Việt Nam tổng cộng là 4.500 MW. Ban lãnh đạo Silovye Mashiny rất quan tâm tham gia xây dựng các cơ sở năng lượng mới ở Việt Nam. Sắp tới các chuyên gia của tập đoàn sẽ hoàn tất điều chỉnh thiết bị dành cho tổ máy mới, với công suất 300 MW tại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí 1 và tiếp tục cung cấp các tổ máy với công suất tổng cộng 600 MW cho các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, A Vương và Pleikrông. Silovye Mashiny còn dự định tham gia đấu thầu xây dựng một tổ máy của nhà máy nhiệt điện Uông Bí 2.

Nhân tố then chốt trong sự hợp tác kinh tế Nga-Việt năm 2007 vẫn là Liên doanh Vietsovpetro. Được thành lập năm 1981 và 5 năm sau đi vào hoạt động, Vietsovpetro đã đưa Việt Nam lên thứ 4 trong số các nước khai thác dầu mỏ ở Đông Nam Á. Hiện nay Vietsovpetro chiếm gần 65% tổng sản lượng dầu mỏ khai thác ở Việt Nam và sản lượng hàng năm đạt 10 triệu tấn.

Trong những năm 1981-2006, lợi nhuận thu được từ bán dầu mỏ của Vietsovpetro khai thác tại Việt Nam là 33,5 tỷ USD, trong đó của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và phần lợi nhuận của Nga là gần 6 tỷ USD. Theo chỉ số uy tín của Chương trình phát triển LHQ, Vietsovpetro đứng thứ 5 trong số 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Tại cuộc gặp hồi tháng 9/07 ở Mátxcơva, Thủ tướng hai nước nhất trí sẽ duy trì hoạt động của Vietsovpetro cả sau năm 2010. Hai bên dự định đẩy mạnh hoạt động của liên doanh tại các mỏ ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, khu vực mà Vietsovpetro đã khai thác ngay từ đầu.

Tham gia khai thác dầu khí ở Việt Nam còn có một tên tuổi lớn khác của Nga là Gazprom. Hãng này cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã thành lập liên doanh Vietgazprom để tìm kiếm, thăm dò khai thác và bán nhiên liệu hydrocarbon tại 2 lô ở thềm lục địa Việt Nam. Tháng 8/07, trong quá trình thăm dò địa chất tại lô số 112 ở Vịnh Bắc Bộ, khi thực nghiệm giếng khoan thăm dò trên địa bàn Bảo Vân họ đã thu được dòng khí đốt công nghiệp đến 400.000 m3/ngày. Những phương hướng hoạt động chung có triển vọng cùng với các công ty Việt Nam, Gazprom chú ý đến các đề án khai thác và chế biến nhiên liệu hydrocarbon trên lãnh thổ nước thứ 3.

Trong chuyến thăm Mátxcơva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng sự hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực dầu khí sẽ góp phần đặc biệt vào việc tiếp tục phát triển xã hội-kinh tế của hai nước.

 



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường