Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam tăng cường hợp tác du lịch song phương
05 | 08 | 2007
Để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 (TMM 4) chính thức khai mạc ngày mai, 17-10, sáng nay, tại Hội An diễn ra phiên họp kín giữa các bộ trưởng du lịch của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Theo Ban tổ chức TMM 4, tại phiên họp này, Nhóm Công tác Du lịch APEC (TWG) báo cáo việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy Hiến chương Du lịch APEC được ký kết tại Hàn Quốc vào tháng 7-2000.

Các bộ trưởng cũng thảo luận những đề xuất của các nền kinh tế thành viên về tăng cường hợp tác du lịch APEC trong thời gian tới và xem xét nội dung của Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC.

Bên lề hội nghị, trong các ngày 15 và 16-10, Tổng cục Du lịch Việt Nam tiến hành các cuộc gặp song phương với một số nền kinh tế thành viên APEC, tổ chức du lịch khu vực và thế giới nhằm trao đổi thông tin, đặt vấn đề hợp tác du lịch với các nền kinh tế thành viên và bàn biện pháp triển khai tốt hơn những thỏa thuận đã ký.

Tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai, chiều 16-10, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Võ Thị Thắng đánh giá cao sự giúp đỡ của UNWTO thời gian qua, nhất là tư vấn về chi phí đầu tư xây dựng các khu du lịch, giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể quy hoạch khu du lịch đảo Phú Quốc.

Bà Võ Thị Thắng đề nghị UNWTO hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, xúc tiến các dự án hợp tác du lịch vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ công tác thống kê du lịch của Việt Nam.

Ông Taleb Rifai bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa UNWTO và Việt Nam nhằm phát triển du lịch bền vững vì sự phát triển của người dân tại các vùng du lịch.

Hai bên đã thảo luận các khả năng hợp tác trong thời gian tới, bao gồm việc đón các cán bộ của Tổng cục Du lịch Việt Nam sang làm việc tại UNWTO, tổ chức các hội thảo về phát triển du lịch bền vững tại Hàn Quốc và Tây Ban Nha; các biện pháp triển khai kế hoạch hợp tác tổng thể giữa UNWTO và Việt Nam.

Trong khuôn khổ TMM4, chiều 16-10, cũng đã diễn ra lễ ký Hiệp định hợp tác du lịch Việt Nam-Philippines. Theo đó, hai nước sẽ giảm bớt các rào cản du lịch, tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch của mỗi nước.

Trước đó, tại cuộc gặp song phương với đoàn Nga, chiều 15-10, phía Việt Nam đề nghị Nga hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch; cung cấp thông tin về hội chợ, triển lãm du lịch được tổ chức tại Nga để phía Việt Nam có kế hoạch tham dự; giúp mời đại diện các công ty lữ hành và các nhà đầu tư Nga sang tham quan, tìm hiểu về tiềm năng du lịch Việt Nam.

Phía Nga trao cho Việt Nam bản dự thảo chương trình hành động chung về hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước giai đoạn 2007-2008.

Việt Nam và Nga ký Hiệp định hợp tác du lịch ngày 19-11-1997. Trong những năm gần đây, Nga trở thành một trong những thị trường rộng lớn của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2004, đã có 12.500 khách du lịch Nga tới Việt Nam, tăng 42% so với năm 2003. Năm 2005, con số này tăng mạnh lên 23.800 người, tăng 94% so với năm 2004. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đón gần 19.000 khách du lịch Nga, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam và Liên bang Nga nhất trí tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan du lịch hai nước như cung cấp các tài liệu về du lịch mỗi nước, cập nhật thông tin về số lượng khách đi và đến của mỗi nước.

Tại cuộc gặp song phương với đoàn Nhật Bản, chiều 16-10, phía Việt Nam đề nghị phối hợp triển khai Tuyên bố chung hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản, hướng tới mục tiêu đạt 500.000 lượt du khách Nhật Bản tới Việt Nam vào năm 2007.

Hai bên thảo luận các dự án hợp tác về phát triển du lịch làng nghề, các biện pháp thu hút nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam thông qua hình thức du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đặt văn phòng xúc tiến của Tổng cục tại Nhật Bản.

Tại cuộc gặp song phương với đoàn Trung Quốc, Tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Trung Quốc vào Việt Nam theo Quy chế 849; tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy triển khai các văn kiện hợp tác du lịch giữa hai nước.

Phía Việt Nam khẳng định Trung Quốc luôn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác, khai thác khách, đầu tư du lịch.


(Nguồn: Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường