Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gà ngoại rộng cửa vào VN
29 | 07 | 2007
Với việc VN gia nhập WTO, các thương gia kinh doanh thịt gia cầm khẳng định thị trường cuối năm sẽ dồi dào hơn, giá sẽ rẻ hơn, song thịt gà made in Vietnam vẫn được ưa chuộng do thói quen tiêu dùng của khách hàng nội địa.

Theo cam kết thuế quan trong WTO, ngay khi gia nhập, VN sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu 20% với sản phẩm gà công nghiệp đã chặt mảnh, phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh. Loại nguyên con nhập khẩu chịu thuế cao gấp đôi.

Giám đốc một công ty nhập khẩu thịt gia cầm tại TP HCM cho hay, người tiêu dùng ở Mỹ, Canada... chuộng ăn ức gà hơn nên các bộ phận khác thường được xuất khẩu. Do đó với tỷ lệ thuế suất WTO đã cam kết, gần tương đương với mức trong nước đang áp dụng, chân và cánh gà sẽ tràn vào VN nhiều với giá vừa phải hơn.

Giám đốc Công ty Phú An Sinh Phạm Văn Minh cũng khẳng định, thị trường thịt gia cầm, đặc biệt là gà, sẽ có mặt nhiều sản phẩm của nước ngoài. "Gà ngoại chủ yếu là hàng không có đầu, hoặc chỉ bộ phận đùi, cánh, chân nên thích hợp để sử dụng chế biến thức ăn nhanh", ông Minh nói.

Tuy nhiên về xu hướng tiêu thụ, ông Minh cho rằng thịt gà nội địa vẫn được người tiêu dùng lựa chọn hơn do thói quen sử dụng hàng tươi sống là chủ yếu. Ngoài ra, tập quán cúng lễ của người Việt phải chọn gà nguyên con, trong khi gà ngoại nhập thường là hàng đông lạnh, không đầu.

Bà Nguyễn Thị Hải, chủ quầy bán thịt gà ở chợ Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP HCM), cho biết thỉnh thoảng bà có bán thịt gà Australia nhưng tiêu thụ rất chậm. Còn ông Trần Thành Nam, ngụ chung cư 60 Nguyễn Trãi (TP HCM) thì khẳng định: "Gà ta vẫn là ngon nhất". 

Các nhà đàm phán VN đã chọn phương pháp giảm thuế nhập khẩu gia cầm giống nhằm khuyến khích sản xuất nội địa. Khi con giống được nhập vào với giá rẻ hơn, nguồn nguyên liệu trong tương lai nhờ vậy cũng dồi dào hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nắm rõ thời cơ này, đang nhanh chóng điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình để phát triển thị trường.

"Tôi đang có kế hoạch sắp xếp lại dây chuyền sản xuất để có thể gia tăng xuất khẩu ức gà ra nước ngoài, các bộ phận còn lại như chân, cánh sẽ đưa vào các nhà hàng fast food", ông Minh nói. Theo ông , trong thời gian tới, chắc chắn nhiều điểm kinh doanh fast food VN tương tự như KFC của Mỹ, sẽ xuất hiện hàng loạt để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng nhận định, giống gia cầm nhập khẩu, nhất là thuộc khu vực châu Á, cũng sẽ có nhiều lợi thế khi thuế suất cam kết WTO bằng 0 ngay thời điểm gia nhập. Chi phí cho con giống thấp giúp doanh nghiệp giảm được một số khoản tiền đầu vào. Đây có thể cũng là yếu tố quan trọng để giúp giảm giá thành thịt trong nước thời gian tới.  

Thịt bò ngoại không rẻ

Theo phân tích của giới chuyên môn, mức thuế suất nhập khẩu thịt bò Mỹ khi gia nhập WTO theo biểu cam kết là 20%, trong khi giá sản phẩm cao cấp hiện nhập khẩu vào VN là 14 USD/kg chưa có thuế. Như vậy một kg thịt bò ngoại nếu tính theo thuế suất WTO có giá khoảng gần 17 USD, tương đương hơn 270.000 đồng/kg, vẫn cao hơn giá hiện tại và gấp 2,5 lần giá thịt bò VN.

VN cam kết lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò ngoại còn 14% sau 5 năm. Còn theo thỏa thuận với Mỹ, thịt bò loại nội tạng, bộ phận thừa nhập từ nước này vào VN sẽ được giảm thuế từ 20% xuống 15% ngay khi VN gia nhập WTO, và giảm tiếp xuống còn 8% trong 4 năm sau đó.

Trái với dự đoán ban đầu, các mức thuế suất nhập khẩu cam kết đều cao hơn tỷ lệ hiện tại, khiến các nhà kinh doanh thịt gia súc trong nước ung dung ngồi bán hàng vì cho rằng không đáng lo ngại với hàng nội.

Trợ lý giám sát ngành hàng thịt của siêu thị Metro, Đinh Quốc Phong cũng nói rằng, khi vào WTO, giá các sản phẩm thịt sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, giá một số hàng như thịt bò vẫn còn cao hơn sản phẩm trong nước nên chưa đủ sức gây khó cho hàng nội. "Người tiêu dùng VN không quen với thịt bò từ nước ngoài, có tâm lý không thích dùng hàng đông lạnh mà phải tươi sống. Giá thịt ngoại lại cao nên yếu thế cạnh tranh", ông Phong nhận xét.  



Phan Anh
Báo cáo phân tích thị trường