Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt nhập tái chiếm thị trường
13 | 05 | 2010
Thịt đông lạnh nhập khẩu về VN tăng trở lại bất chấp các biện pháp thuế cao, thắt chặt kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, khối lượng gà công nghiệp nhập khẩu đã gần bằng khối lượng gà nuôi của người dân trong nước.

Liên tục trong bốn tháng đầu năm nay, lượng thịt đông lạnh nhập khẩu về tháng sau cao hơn tháng trước khiến người chăn nuôi bất an.

Nhập khẩu gần bằng lượng nuôi

Theo Cơ quan Thú y vùng VI (Cục Thú y), từ đầu năm 2010 đến nay lượng thịt đông lạnh nhập khẩu về cảng TP.HCM tăng nhanh (xem biểu đồ), trong đó chủ yếu là đùi và cánh gà đông lạnh với số lượng khoảng 7.000 tấn. Đáng chú ý, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã tương đương với lượng gia cầm mà người dân sản xuất và tiêu thụ. Hiện mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 200 tấn gia cầm, trong đó có 100 tấn là thịt đông lạnh.

Ông Nguyễn Thanh Phương, giám đốc chăn nuôi của Công ty Emivest, cho biết thị trường gà công nghiệp phía Nam hiện nay do ba công ty nước ngoài là CP, Japfa và Emivest chi phối chính. Chỉ tính từ Đà Nẵng trở vào, mỗi tháng ba công ty này đưa ra thị trường khoảng 10.000 tấn. Như vậy, chỉ riêng lượng thịt đông lạnh qua cảng TP.HCM trong tháng 4 đã là 7.000 tấn thì tổng lượng nhập về khu vực phía Nam cũng tương đương với lượng gà công nghiệp mà người dân trong khu vực này nuôi.

 Biểu đồ thịt nhập khẩu

 

 Nguồn: Cơ quan Thú y vùng VI - Đồ họa: N.KHANH



Hàng tràn về các tỉnh

Theo tính toán, với mức giá nhập khẩu hiện nay, sau khi trừ thuế, chi phí bảo quản, giá gà đông lạnh nhập khẩu thấp hơn chút đỉnh hoặc gần bằng với giá gà trong nước. Hiện giá bán sỉ gà nhập khẩu tại chợ Bình Điền (Q.8) đối với loại đùi gà góc tư khoảng 28.000 đồng/kg, đùi tỏi 41.000 đồng/kg và cánh gà 57.000 đồng/kg, trong khi đó cánh gà bán sỉ của Công ty CP hiện đã 60.000 đồng/kg, đùi tỏi 59.000 đồng/kg. Giá bán lẻ gà đông lạnh nhập khẩu đến tay người tiêu dùng không rẻ hơn bao nhiêu. Vậy vì sao gà nhập khẩu vẫn tăng?

Theo một nhà nhập khẩu thực phẩm, thịt gà đông lạnh nhập khẩu về chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp và nhà hàng, quán cơm bình dân. Trước đây, một lượng gà nhập khẩu lớn cũng được phục vụ các hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh nhưng trước biến động tỉ giá, rủi ro vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo tính đồng nhất cho sản phẩm, nhiều hệ thống chọn nhà cung cấp trong nước.

Hiện nay thị trường tiêu thụ gà nhập khẩu chính là các tỉnh vùng sâu vùng xa không có điều kiện phát triển chăn nuôi. Ông Phạm Văn Minh, giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, cho biết chi phí cấp đông, đóng gói để vận chuyển gà tươi về các tỉnh hiện nay vẫn còn cao nên doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện được. Trong khi gà đông lạnh nhập khẩu vận chuyển khá dễ dàng trong các thùng đã được cấp đông sẵn, đây chính là điều kiện cho gà đông lạnh vẫn sống khỏe.

Giám đốc kinh doanh một công ty nhập khẩu thịt đông lạnh thừa nhận trong khi thị trường TP.HCM gần như chững lại thì lượng tiêu thụ các tỉnh khu vực miền Trung tăng mạnh, đóng góp doanh số chính cho công ty. Hiện các nhà phân phối, đại lý cho công ty này tiếp tục mở rộng mạng lưới ra các tỉnh bắc miền Trung để đáp ứng nhu cầu.

Nhập khẩu gà vẫn hấp dẫn

Từ tháng 10-2008, Bộ Tài chính nâng giá nhập khẩu (tính thuế) các loại thịt đông lạnh để hạn chế lượng nhập khẩu. Cụ thể, thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh tăng từ 12% lên 40%, đùi, cánh, gan gia cầm có mức thuế tăng lên 20%.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Bồng - phụ trách kinh doanh hàng đông lạnh của Công ty Intimex TP.HCM, dù VN đã tăng thuế và tăng kiểm tra chất lượng nhưng do giá đùi và cánh gà ở nước ngoài thấp hơn nhiều so với gà nuôi trong nước nên các doanh nghiệp vẫn tăng nhập khẩu.

“Hiện giá đùi gà đông lạnh mà Intimex bán cho các đầu mối phân phối chỉ 23.000 đồng/kg. Tính ngược lại, giá nhập khẩu đùi góc tư nhập từ Mỹ hồi quý 1-2010 gần 850 USD/tấn, cộng cả thuế, chi phí vận chuyển tương đương 22.000-22.500 đồng/kg, chỉ bằng giá thành nuôi gà trong nước” - ông Bồng tính toán.

Sau một thời gian Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đưa ra các biện pháp siết chặt kiểm tra chất lượng thịt nhập khẩu, lượng thịt nhập cuối năm 2009 giảm 70-80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã làm quen với các thủ tục kiểm tra cũng như ráo riết tìm nguồn hàng chất lượng, doanh nghiệp đã lập tức nhập khẩu trở lại khi thấy kinh doanh có lời.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường