Hụt hơi với giá thịt
Gần hai tháng kể từ khi dịch tai xanh bùng phát, thị trường thịt lợn liên tục “hụt hơi” khi giá thịt tụt dốc không phanh. Theo đó, giá lợn hơi tại các hộ nhỏ lẻ giảm từ 24.000đ xuống còn 17.000đ/kg, tại trang trại từ 30.000đ xuống 25.000đ/kg. Ngoài các tỉnh thành mắc dịch, hầu hết thịt lợn tại các tỉnh phía bắc và Trung Bộ đều bán dưới giá thành.
Do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh phía nam cũng bắt đầu giảm nhẹ từ đầu tháng 5 tới 7% so với đầu năm. Trong khi đó theo khẳng định của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chỉ với mức giá trên 32.000đ/kg tại miền Nam và trên 22.000đ/kg tại miền Bắc thì nông dân mới đảm bảo có lời.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, mặc dù trong quý I, chăn nuôi đạt tăng trưởng khá với mức tăng 3% về số lượng và 3,5% về sản lượng song do ảnh hưởng của “bão” tai xanh, khu vực Đồng bằng sông Hồng - nơi chiếm 30% tổng đàn lợn cả nước liên tục điêu đứng. Lợn hơi giảm đã đành, nay cả lợn giống cũng giảm giá từ 10% - 20% tùy thời điểm. Do không bán được lợn giống, nhiều hộ chăn nuôi đã ngừng tái đàn, chuyển bán lợn giống thành lợn thịt, chấp nhập lỗ.
Theo khảo sát, số lượng thịt lợn tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn trên cả nước giảm 40%. Tại các chợ nội thành Hà Nội, giá thịt mông sấn giảm từ 10% - 15% so với tháng trước. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn lo ngại: “Gần sáu tháng trôi qua mà đàn lợn chỉ tăng 3,5% về sản lượng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng đàn cả năm. Nếu việc tiêu thụ tiếp tục khó khăn thì ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người chăn nuôi”.
Virus tai xanh không lây sang người
Đó là khẳng định như “đinh đóng cột” của TS. Tô Long Thành - PGĐ TT Chẩn đoán Thú y T.Ư trước sự hoang mang của dư luận về việc sử dụng thịt lợn bị nhiễm tai xanh. TS. Thành cho hay: “Không hề có cơ chế lây nhiễm virus tai xanh từ lợn sang người, vì vậy người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, có đóng dấu kiểm dịch và được nấu chín trước khi sử dụng”.
Để đảm bảo việc thịt lợn “sạch” vẫn được tiêu thụ bình thường và người dân không nên quay lưng với thịt lợn có nguồn gốc, cơ quan này khuyến cáo việc lựa chọn kỹ khi mua thịt như không mua thịt đã chuyển màu tím tái, có mùi khó chịu (mùi kháng sinh). Thịt thương phẩm đảm bảo chất lượng là thịt có màu sắc tươi hồng, sờ dẻo dính.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chiều qua 27.5 cho biết, hiện cả nước có 9 ca liên quan đến bệnh liên cầu lợn ở người. Trong đó Hà Nội có 5 ca nghi nhiễm, Thái Bình có 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn ở người.
Đại diện Cục Y tế dự phòng - ông Nguyễn Văn Hiển cho hay: “Vi khuẩn liên cầu ở những con lợn bị nhiễm bệnh nặng hoàn toàn có thể lây sang người khi người dân trực tiếp sử dụng thịt lợn bị nhiễm bệnh”. Cục Thú y cũng khẳng định, bệnh liên cầu lợn chỉ xuất hiện rải rác và chưa hề bùng phát thành dịch. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cơ quan này khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng thịt lợn sống, tái, không ăn tiết canh. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn phải được nấu chín hoàn toàn trước khi sử dụng.
Theo Bộ NNPTNT, dịch tai xanh tiếp tục có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nên yêu cầu các địa phương nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dịch, tăng cường công tác tiêm phòng vaccine tai xanh. Việc vận chuyển lợn phải được tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn, công tác giết mổ đảm bảo vệ sinh trên cơ sở đẩy mạnh giám sát, gắn với vệ sinh môi trường.