Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ khan hiếm thịt lợn là rất lớn
18 | 04 | 2008
Tình hình dịch bệnh tai xanh lây lan nhiều tỉnh với số lợn bị tiêu huỷ lên đến con số kỷ lục và một trong những lo ngại hiện nay là liệu tình trạng khan hiếm thịt lợn có xảy ra trong điều kiện chăn nuôi gặp nhiều khó khăn?
Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ngày 14/4, cho thấy, từ đầu năm 2008 đến nay dịch đã xuất hiện ở 410 xã thuộc 28 huyện của 5 tỉnh, gồm Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An và Lâm Đồng (mới xuất hiện). Theo đó, tổng số lợn mắc bệnh là 175.743 con, số chết và phải tiêu huỷ là 146.311 con.

Theo một cán bộ tại hội Thú y Việt Nam, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lại phải đối mặt với những khó khăn như hiện nay. Trong khi dịch cúm gia cầm chưa được ngăn ngừa triệt để thì việc lơ là của một số địa phương đã làm cho tình hình bệnh dịch tai xanh ở lợn bùng phát mạnh, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.

“Thiệt hại kinh tế về số lợn bị tiêu huỷ là điều nhìn thấy trước mắt, nhưng về lâu dài nếu không kiểm soát thì chúng ta có khả năng đối mặt với đợt “khủng hoảng” do thiếu lợn giống”, vị này cho biết.

Lo ngại về tình hình dịch lợn tai xanh hiện nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mặc dù dịch lợn tai xanh mới xuất hiện tại 54 địa phương trong cả nước, nhưng đó sẽ là nguy cơ rất lớn và sẽ gây thiệt hại cho người dân rất cao.

Ông Sơn nói rằng, mặc dù dịch đã lây lan nhưng chúng ta chưa có biện pháp đối phó, ngoài cách làm truyền thống là tiêu huỷ.

Lo ngại về tình hình cung ứng nguồn lợn thịt cho thị trường trong nước, cũng theo ông Sơn, đợt dịch năm 2007 đã “phủ sóng” gần hết các tỉnh miền Bắc với số lượng lợn phải tiêu huỷ nhiều đã gây ảnh hưởng rất lớn tới việc khôi phục đàn lợn nái.

“Nếu tính trung bình cứ mất một con lợn đẻ, chúng ta sẽ mất khoảng 1,5 tấn thịt. Trong khi đó đợt dịch này đã có 146.311 con lợn bị tiêu huỷ nên nguy cơ thiếu thịt là rất lớn”, ông Sơn lấy ví dụ.

Riêng tại Hà Nội, ngành chăn nuôi cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu tiêu dùng về thịt lợn của người dân, trong khi đó phần còn lại phải được nhập về từ các tỉnh miền Bắc, trong đó có các tỉnh đang là điểm nóng về dịch lợn tai xanh như Thanh Hoá, Hà Tĩnh…

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, nếu không có giải pháp quyết liệt liệt và hiệu quả, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thịt lợn cung ứng cho nhu cầu của thị trường.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường