Việt Nam đang trở thành điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư, với niềm tin đất nước này đã sẵn sàng để tiến hành những cải cách đột phá về tự do kinh tế và mở cửa với thế giới. Để củng cố thêm cho niềm tin trên, đầu tháng 11, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua tư cách thành viên thứ 150 cho VN - động thái sẽ giúp VN đẩy nhanh hơn nữa tự do hoá thị trường và bùng nổ xuất khẩu.
Không thể phủ nhận sự chuẩn bị sẵn sàng của VN để hội nhập. Tỉ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2006 được dự đoán sẽ đạt 8,2% - tốc độ nhanh thứ hai ở Châu Á sau Trung Quốc. Xuất khẩu của VN tăng trưởng 24% trong 10 tháng đầu năm 2006. Quan trọng hơn nữa, Hà Nội đang đóng vai trò chủ nhà của Hội nghị lãnh đạo kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào ngày 18-19.11, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ George W.Bush và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Bên cạnh đó, VN có lực lượng lao động trẻ và chất lượng, với 54% dân số đang ở độ tuổi dưới 30. Mức lương tại VN thấp hơn hầu hết tại những thành phố duyên hải Trung Quốc, điều sẽ khiến VN có động lực cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực gia công, chế biến.
Ngoài ra, không thể bỏ qua sự phát triển lớn mạnh của giới doanh nghiệp VN với khoảng 40.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời trong năm 2005. Tân Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết tiếp tục cải cách kinh tế và đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. VN hiện còn là nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu càphê, hạt điều và gạo.
Các công ty đa quốc gia đang ngày càng gia tăng sự lựa chọn VN làm nơi đặt cơ sở sản xuất. Hãng Canon Inc. đã xây dựng hai nhà máy lớn tại VN và hiện đang triển khai thi công nhà máy thứ ba tại tỉnh Bắc Ninh. Tập đoàn Nike gần đây cũng đã tăng sản lượng hàng năm tại VN từ 54 triệu đôi giày lên 70 triệu đôi, đưa VN trở thành nguồn gia công giày lớn thứ hai cho tập đoàn này sau Trung Quốc.
Khi đã là thành viên WTO, sản phẩm nông nghiệp và chế biến tại VN sẽ có cơ hội lớn hơn để tiếp cận các thị trường nước ngoài như Mỹ và Châu Âu. Trong 10 tháng đầu năm 2006, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào VN đạt khoảng 6,5 tỉ USD, vượt mức 6,1 tỉ USD đạt được trong cả năm 2005.
"WTO có thể ví như con dấu chứng nhận chất lượng của nền kinh tế VN mà rất nhiều các công ty lớn trông đợi" - ông Tim Tucker - Hãng Ford Vietnam - cho hay. "Họ đang chờ để tràn như nước lũ vào VN" - ông Tucker kết luận.
Nhưng để vào được WTO, VN cũng phải trả một cái giá khá cao như đồng ý hạ rào cản thương mại, giảm rất nhiều các trợ cấp và đồng ý cho cạnh tranh nước ngoài tại nhiều lĩnh vực kinh tế nội địa. "Đó là thoả thuận cứng rắn hơn cả những gì mà Trung Quốc phải nhượng bộ" - ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế Chương trình Phát triển LHQ tại Hà Nội - cho hay.
Tuy nhiên, Chính phủ VN vẫn còn nhiều điều phải làm để có thể thu hút nhiều hơn sự chú ý của các công ty đa quốc gia, như chỉnh sửa hệ thống pháp lý, nâng cấp và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng. Theo Tổng Giám đốc Nike tại Việt Nam Amanda Tucker, hàng từ VN hầu hết phải chuyên chở sang Singapore trước khi vận chuyển qua đường biển tới Mỹ và Châu Âu, do VN chưa có cảng nước sâu cho các tàu chở hàng siêu lớn.
Bất chấp còn có những thách thức, sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế VN vẫn lớn hơn rất nhiều. Tuần trước, Hãng Intel công bố sẽ tăng đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy tại VN lên 1 tỉ USD, cao gấp 3 lần cam kết trước đó. "Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng" - Rick Howarth - quản lý sản xuất của Intel tại VN cho hay. Với tư cách thành viên trẻ nhất của WTO, nền kinh tế của VN đã sẵn sàng để cất cánh.