Unified Communications - Truyền thông hợp nhất?
Bà Manjula Talreja - Giám đốc Nhóm công nghệ thoại Cisco Systems toàn cầu cho biết: “Truyền thông hợp nhất - Unified Communications nghĩa là khi điện thoại reo ở cơ quan, nó cũng đồng thời reo ở diện thoại nhà bạn và trên đi động của bạn khi bạn đang ở sân bay. Điều đó cũng có nghĩa là với hệ thống truyền thông hợp nhất, bạn không cần có mặt ở văn phòng làm việc, bạn có thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà vẫn không bị mất liên lạc”.
Bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20, Unified communication, còn gọi là UC nhanh chóng được biết đến như một hệ thống tích hợp truyền thông ưu việt và hiệu quả nhất, ứng dụng trong DN. Nhờ tích hợp nhiều công cụ dịch vụ mạng và thiết bị di động vào một tổ hợp, UC đã tạo ra những văn phòng ảo ở mọi lúc, mọi nơi mà người dùng có mặt.
Phan Thanh Sơn - Giám đốc kỹ thuật Cisco Systems Việt Nam, giải thích thêm: “Giả dụ khi tôi đang đi trên đường, tôi đang ở một cái sân bay nào đó chẳng hạn mà một cái người làm ăn, một cái đối tác nào của tôi muốn gửi bản fax cho tôi. Cái người kia họ chỉ cần fax vào cái số fax đi kèm với cái user name của tôi thì lập tức cái bản fax đó được convert thành một cái file, nó chuyển thành một cái file ảnh và nó chuyển thẳng vào một cái mail của tôi”.
Tương lai của truyền thông liên lạc: Truyền thông hợp nhất!
Hơn 100 năm trước, sự xuất hiện của điện thoại đã làm biến đổi cách thức liên lạc của thế giới. 100 năm sau, điện thoại vẫn là một phương tiện liên lạc không thể thiếu. Nhưng không phải là tối ưu nhất. Bằng ưu thế vượt trội về chất lượng, chi phí, thoại IP đã và đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường thoại và vượt qua thoại TDM và PVX truyền thống về doanh số bán ra.
Cùng với sự tăng trưởng vượt trội của thoại IP là sự bùng nổ các dịch vụ giá trị gia tăng trên nó. Bắt đầu bằng việc tích hợp thoại, dữ liệu, rồi đến hình ảnh, video, các ứng dụng trên thoại IP vẫn đang từng ngày phát triển, tăng trưởng và chiếm thế thượng phong với thoại TDX truyền thống. Cũng rất nhanh sau đó, hàng loạt công ty ở nhiều quốc gia đã đưa hệ thống này vào ứng dụng trong DN mình.
Bà Manjula Talreja tiết lộ thêm: “Hầu như quốc gia nào, khu vực nào cũng thích ứng rất nhanh với công nghệ này. Tuy nhiên Mỹ là quốc gia ứng dụng nhanh nhất. Châu Âu cũng ứng dụng khá nhiều nhưng các nước châu Á đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc thì phát triển rất nhanh.”
85% doanh nghiệp có sử dụng hệ thống, trong đó có IBM, Orcle, Ford, Boeing… thừa nhận, UC đã và đang tăng đáng kể hiệu suất kinh doanh của họ. Không ngoài dự đoán, khu vực ứng dụng hiệu quả nhất chính là các công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT, các tổ chức tín dụng, tài chính và các tổ chức đa quốc gia - những khách hàng mục tiêu của UC.
Với sức tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ như vậy, không bao lâu nữa, UC có thể tiến được những bước không ngờ và làm được những điều khó có thể tưởng tượng nổi.
Một viễn cảnh không còn xa với tốc độ phát triển của công nghệ và sức ứng dụng rộng rãi của các doanh nghiệp trên thế giới. Nhưng còn ở VN, truyền thông hợp nhất đã có mặt chưa và nếu có, mức độ ứng dụng của nó đang ở đâu?
Việt Nam đã ứng dụng truyền thông hợp nhất?
Bắt đầu được giới thiệu tại VN từ năm 2000, truyền thông hợp nhất khi đó được biết đến với hai tích hợp thoại và data. Sau những bước đầu bỡ ngỡ, và khá dè dặt, các DN đã ứng dụng có hiệu quả hơn.
Anh Hiệp là một nhân viên kỹ thuật của trung tâm truyền thông FPT. Với vị trí là đó nên công việc của anh khá bận rộn. Đôi khi vì trót hẹn với khách hàng ở bên ngoài, không thể về kịp dự họp, anh đành tham gia họp qua hệ thống.
Trường hợp của Việt, giám đốc trung tâm công nghệ FIS hơi khác với Hiệp. Bận rộn với đối tác, Việt thường hoặc phải ra ngoài trong một khoảng thời gian dài hoặc không thể rời xa bàn làm việc. Vì thế, dù có hẳn phòng làm việc riêng, nhưng đôi khi tiện chỗ nào, anh làm việc luôn ở chỗ đó. Bởi chỉ với tên truy nhập và mã hệ thống riêng, bất cứ đâu cũng có thể biến thành bàn làm việc của anh. Từ việc kiểm tra hộp thư thoại, thiết lập các lịch hẹn, kiểm tra các cuộc gọi lỡ, hoặc đôi khi nói chuyện phiếm với nhân viên… tất cả đều qua hệ thống truyền thông hợp nhất.
Không giống FPT, Cisco là một công ty đa quốc gia. Do đó, những lợi ích mà họ nhận được còn rõ ràng và to lớn hơn nhiều. Để tiện cho việc liên lạc cũng như những cuộc họp thường xuyên và bất thường, tất cả các nhân viên ở đây đều được trang bị đầy đủ các thiết bị liên lạc tối ưu.
Trong cương vị một người phụ trách kinh doanh bán hàng của chi nhánh Hà Nội, anh Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Bán hàng Cisco, thường xuyên phải đi công tác xa hoặc phải tham gia các buổi họp ngay tại các quán cà phê. Nhưng bằng chương trình softphone cài đặt sẵn trên máy, dù ở bất cứ nơi đâu, anh cũng có thể làm việc như đang có mặt ở công ty.
Anh toàn cho biết: “Hệ thống này thực sự là một hệ thống giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc. Bởi vì như bạn thấy đó tôi có thể thực hiện tất cả các tác vụ ở tại văn phòng mặc dù tôi đang di chuyển, làm việc một cách di động. Nó cũng giúp tôi tối ưu hoá được rất nhiều thời gian làm việc cũng như là cái thời gian phải di chuyển.”
Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng?
Vài năm gần đây, CNTT truyền thông Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Từ một nước lạc hậu, Việt Nam đã từng bước đi tắt đón đầu và nhanh chóng ứng dụng những công nghệ mới nhất vào phục vụ kinh doanh và cuộc sống. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực, mức độ ứng dụng CNTT - TT trong các DN Việt Nam hiện nay, nhất là các DN vừa và nhỏ, vẫn còn khá khiêm tốn.
Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng? Đây cũng là câu hỏi được khá nhiều chuyên gia CNTT đặt ra mỗi khi đề cập đến sự sẵn sàng của các DN Việt Nam với hệ thống này.
Ông Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc trung tâm công nghệ FIS cho biết: “Đây là thời điểm tốt nhất để ứng dụng những cái công nghệ mới, công nghệ hiện đại và có những cái ứng dụng cao cấp cho doanh nghiệp. Một trong những ứng dụng điển hình là truyền thông IP”.
Ông Manoj Menon - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á - Tổ chức tư vấn Frost & Sullivan bày tỏ sự mong đợi về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam với truyền thông hợp nhất: “Hơn 50% các giải pháp truyền thông trong DN mới được triển khai dựa trên truyền thông hợp nhất. Xu hướng này thậm chí đã lan sang cả châu Á. Việt nam có thể ứng dụng hơn muộn nhưng cũng đã bắt đầu bắt kịp với xu hướng này… Chúng tôi mong đợi trước năm 2012, 50% tổng giải pháp của các bạn sẽ dựa trên truyền thông hợp nhất”.
Theo một thống kê vừa được công bố, năm qua, chỉ số cạnh tranh trong khối DN vừa và nhỏ của chúng ta đã bị tụt hạng so với năm ngoái. Và một trong những nguyên nhân chính là sự chậm trễ ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động của DN.
Cánh cửa WTO không còn cách chúng ta bao xa nữa. Đã đến lúc các DN cần nhìn nhận lại chính sách đầu tư vào CNTT và bắt đầu cuộc chạy đua bằng một trong những giải pháp hiệu quả được ứng dụng trong hệ thống DN toàn cầu hiện nay: truyền thông hợp nhất.