Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi cơ quan "gác cổng" thờ ơ
22 | 04 | 2009
Chile đang là một trong những nước SX cũng như XK cá hồi quan trọng nhất thế giới. Bằng chứng là hồi cuối năm 2008, giá cá hồi trên thế giới đã bị ảnh hưởng mạnh bởi sự sụt giảm tới 30-50% sản lượng cá hồi ở Chile.

Sản lượng cá hồi Chile giảm mạnh là do ngành công nghiệp cá hồi ở nước này đang phải đối mặt với sự hoành hành của virus ISA. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10/2008 đến tháng 2/2009, các trường hợp nhiễm virus ISA trong ngành công nghiệp cá hồi tại Chile đã tăng 54%. ISA là một loại virus nguy hiểm vì nó gây thiếu máu trên cá hồi và có tốc độ lây lan mạnh. Tới cuối năm 2008, ở Chile đã có hàng chục điểm nuôi cá hồi bị nhiễm loại virus này.

Cũng vào hồi cuối năm 2008, cá hồi Chile bị Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức (BVL) phát hiện hoá chất cấm theo qui định của EU. Ngoài ra, cũng theo thanh tra của cơ quan này, lượng kháng sinh được sử dụng trong mỗi tấn cá hồi nuôi ở đây cao hơn mức cho phép tại Nauy từ 170 tới 300 lần.

Những thông tin nói trên về cá hồi Chile đã nhanh chóng được phổ biến ở nhiều thị trường trên thế giới. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản cũng chẳng lạ gì thông tin này. Thế nhưng, trong năm 2008, Việt Nam vẫn nhập 5 triệu USD cá hồi từ Chile. Điều đáng nói là việc kiểm soát nhập khẩu cá hồi Chile vào Việt Nam vẫn như lúc nghề cá hồi nước này chưa xảy ra chuyện gì vậy.

Sự thờ ơ này của cơ quan “gác cổng” trong nước, trong đó có trách nhiệm chính của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD) khiến cho nhiều cơ quan có trách nhiệm phải sốt ruột. Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã phải đề nghị NAFIQAD nên có quy định về việc kiểm tra các lô hàng cá hồi nhập từ Chilê. Đồng thời NAFIQAD cần phải yêu cầu Hiệp hội cá hồi Chile và Tổng cục Thuỷ sản nước này cung cấp danh sách các trại nuôi không nhiễm virus ISA. Và nếu cần, NAFIQAD cũng nên sang tận Chile để kiểm tra các cơ sở nuôi cá hồi rồi mới cấp giấy chứng nhận nhập vào Việt Nam.

Nhưng chẳng hiểu NAFIQAD có nghe theo đề nghị này không?



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường