Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gạo Campuchia có thể sụp đổ trong 1 thập kỷ tới?
07 | 10 | 2016
Thời tiết khó lường, cơ sở hạ tầng yếu kém và thể chế kém hiệu quả là những nguyên nhân khiến các chuyên gia dự báo rằng ngành gạo Campuchia có thể sụp đổ trong 1 thập kỷ tới.

Gạo là sinh kế quan trọng nhất của những dân làng tại miền Bắc Campuchia trong hàng ngàn năm, và trong quãng thời gian đó, tập quán canh tác loại ngũ cốc thiết yếu này rất ít thay đổi. Công việc đồng áng vẫn nặng nhọc như vốn thế bao năm cho những người nông dân như Kim Laysim, một người dân nông thôn tại làng Ta Tong của tỉnh Preah Vihear.

Từ mờ sáng gà gáy cho đến khi mặt trời lặn trên cánh đồng lúa, hầu hết tất cả mọi người trong làng của Laysim chăm chỉ gập mình gieo hạt trên cánh đồng trước khi mùa mưa đến mang theo dinh dưỡng cho đất. Nhưng không phải là năm 2015, khi mưa đến quá muộn và quá ít. “Tôi mới chỉ xong việc xuống giống vào cuối tháng 8 (2015). Mưa năm nay rất ít nên chúng tôi xuống giống rất muộn. Giờ tôi rất lo lắng chúng tôi sẽ phải đối mặt với hạn hán nặng nề, năng suất sẽ rất thấp”, bà nói. Một số khu vực trồng lúa của Campuchia dự đoán có năng suất giảm 50% trong năm 2015.

Nếu Laysim sống tại Thái Lan hoặc Việt Nam, bà sẽ không phải lo lắng đến vậy. Trợ cấp chính phủ trên diện rộng, các khoản vay lãi suất thấp và những cải thiện liên quan đến cơ sở hạ tầng cho trồng lúa đã tạo ra nền tảng ngành lúa gạo ổn định tại các quốc gia láng giềng, chứ không phải tại Campuchia.

Mặc dù Campuchia rất tự hào về ngành gạo của mình và thậm chí đã thắng hàng loạt giải quốc tế nhờ các loại gạo chất lượng cao, chính phủ nước này chẳng mấy mặn mà hỗ trợ ngành này. Song Saram, chủ tịch Amru Rice, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Campuchia, thái độ của chính phủ Campuchia đối với ngành gạo vẫn thờ ơ, dù triển vọng hiện rất u ám. “Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Đây là ngành kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao”, ông nói. Và hầu hết các chuyên gia đồng tình với Song Saran.

Tác động của một thể chế kém hiệu quả đang gây những tác động nghiêm trọng xét đến khoảng một nửa sinh kế của người dân Campuchia được cho là phụ thuộc vào ngành lúa gạo.

Gạo là lương thực quan trọng nhất của thế giới – chiếm khoảng 20% tổng calorie tiếp nhận ở người – và Campuchia nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất. Theo Chanthou Hem, nhà chức trách dự án cấp cao của ADB cho rằng đây là một thành quả đáng tự hào. Campuchia, như ông nói, thiếu hệ thống sản xuất thiết yếu, cơ sở hạ tầng và cơ khí hóa yếu kém, và mối liên kết yếu giữa các nhà sản xuất giống, nông dân trồng lúa và những nhà xay xát.”

Cả những tổ chức hỗ trợ và khu vực tư nhân đều đã đầu tư hàng triệu đô la để tăng tốc ngành lúa gạo Campuchia. Theo Kann Kunthy, CEO của Brico, một nhóm các nhà đầu tư đang cố gắng cải thiện ngành gạo Campuchia tại tỉnh Battambang, khu vực sản xuất lúa chính của Campuchia, cho rằng chính phủ Campuchia rất thờ ơ với ngành này. “Họ luôn nói họ đang làm việc hướng tới cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng đó là những gì họ đã lặp đi lặp lại trong 5 – 10 năm qua. Những tuyên bố này chẳng có gì mới, trong khi chúng tôi vẫn cần các hệ thống thủy lợi tốt hơn. Nhưng các bộ ngành đã làm được gì?”, ông nói.

Ngành lúa gao là một ngành có rủi ro cao, ngay cả khi thời tiết thuận lợi. Câu chuyện của Laysim chỉ là một ví dụ. Năm 2014, gia đình bà thu hoạch 15 tấn lúa nhưng chỉ bán 11 tấn. Giống như hầu hết nông dân khác, bà lựa chọn giống lúa sản xuất đơn thuần vì bà đủ tiền cho giống lúa đó: nhu cầu thị trường thường bị bỏ qua. Trong khi đó, châu Âu đang chỉ nhập khẩu gạo chất lượng cao – một phân khúc thị trường mà Campuchia có thể có lợi thế tự nhiên do đặc trưng ít sử dụng phân bón của người trồng lúa nước này. Nông dân quy mô nhỏ của Campuchia không ý thức được điều này và thường lựa chọn sai loại giống thị trường cần.

Với doanh thu thấp hơn kỳ vọng, Laysim phải vay 3.000 USD để mua đủ giống cho vụ sản xuất năm nay, bất chấp linh cảm mách bảo bà không nên làm thế. Laysim đã chứng kiến nhiều nông dân vất vả xoay xở trả nợ sau những đợt hạn hán, lũ lụt và các thiên tai khác phá hủy mùa màng của họ. “Sẽ rất khó để trả nợ bởi lãi suất quá cao. Nhưng tôi còn lựa chọn nào khác?”, Laysim nói.

Không có chính phủ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc bằng 0 như ở Thái Lan và Việt Nam, một mạng lưới cho vay nặng lãi chăng ra trước những nông dân sản xuất nhỏ Campuchia, khiến những thiên tai càng trở nên tồi tệ với người nông dân. Một số khoản nợ nặng lãi lên tới 100%. Nếu nông dân không thể trả nợ thì chỉ còn cách tha hương. Đầu năm 2015, hơn 700.000 người Campuchia làm việc với visa tạm thời tại Thái Lan. Hàng ngàn người Campuchia được cho là đang sống phi pháp tại Thái Lan.

Kheang Kimlean, chủ một nhà máy xay xát gạo cho thị trường nội địa ở phía Tây Bắc Campuchia cho biết ông đang vất vả để thu mua đủ lượng lúa cho duy trì vận hành nhà máy công suất 15 tấn/ngày và bán ra thị trường. “Một nửa khách hàng của tôi đã di cư sang Thái Lan”, ông Kimlean cho hay.

Do nông dân bỏ đồng ruộng để sang làm việc tại Thái Lan, tổng diện tích canh tác lúa giảm mạnh, hơn 12% trong hơn 10 năm qua, theo World Bank, xuống mức thấp hơn nhiều so với kế hoạch của chính phủ. Đến cuối năm 2015, Thủ tướng Hun Sen của nước này cho biết ông hy vọng sẽ xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo – một mục tiêu nực cười và bị nghi ngờ kể từ khi ông tuyên bố vào năm 2010.

Năm 2013, Campuchia xuất khẩu khoảng 379.000 tấn. Năm 2014, con số này tăng lên 387.000 tấn, chỉ tăng 2,2%. Nếu chính phủ cung cấp các khoản vay và xây dựng các hệ thống thủy lợi, mục tiêu của ông Hunsen đã chẳng phi thực tế đến vậy, ông Song Saran cho biết.

Nhưng đây không phải là toàn bộ vấn đề của ngành lúa gạo. Theo ông Saran, toàn bộ chuỗi giá trị gạo Campuchia quá đắt đỏ. “Chi phí sản xuất cao là vấn đề chính của chúng tôi.” Saran tham gia vào doanh nghiệp gia đình ông vào năm 2010. Trước đó, Amru đã xuất khẩu 2 container gạo/tuần sang EU. Hinej nay, công ty có hơn 250 công nhân và xuất khẩu khoảng 1.500 – 2.000 tấn gạo/tuần. Amru, giống các công ty tư nhân khác, đã đầu tư hàng triệu USD vào các nhà máy xay xát và thiết bị sấy lúa gạo. Trong khi sự phát triển này rất đáng khích lệ, khu vực tư nhân không thể một tay thúc đẩy toàn bộ ngành lúa gạo.

Tại Việt Nam và Thái Lan, các nhà xay xát phải trả không quá 10 cents/kwH điện. Tại Campuchia, giá điện cao gấp 2 lần mức trên. Vận chuyển cũng là vấn đề gây đau đầu. Sử dụng xe tải để chờ gạo trên những con đường đầy ổ gà khiến chi phí vận chuyển gạo từ cổng trại đến nhà máy tại Campuchia thường lên tới khoảng 10 USD/tấn. Tại Việt Nam, với cơ sở hạ tầng như một tuyến đường sắt sẵn có, chi phí vận chuyển chỉ khoảng 3 USD/tấn.

Để tiếp tục hành trình, mỗi tấn gạo từ nhà máy tới cảng tại Sihanoukville có chi phí trung bình 25 USD/tấn, và từ cảng này, gạo lại phải tiếp tục vận chuyển tới các cảng lớn hơn, như cảng Sài Gòn để xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường khác. “Tất cả các nước khác đều tạo động lực và hỗ trợ ngành gạo. Chúng tôi chỉ có lời nói, chẳng có hành động nào được thực hiện”, ông Saran nói.

Những áp lực ngoài ngành cũng là một vấn đề khác. Là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, Campuchia được xuất khẩu gạo phi thuế theo chương trình thương mại Tất cả trừ vũ khí (Everything But Arms – EBA) của EU. EBA cho phép Campuchia tiếp cận thị trường 500 triệu người của EU, thúc đẩy xuất khẩu và hiện chiếm phần lớn lượng gạo xuất khẩu từ Campuchia.

Đối với EU, lượng gạo 300.000 tấn từ Campuchia chỉ chiếm 22% tổng lượng nhập khẩu gạo của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng con số này sẽ giảm xuống khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam xuất khẩu 76.000 tấn gạo/năm phi thuế sang thị trường này. Myanmar, hiện lạc hậu hơn ngành gạo Campuchia khoảng 5 năm, cũng đang tăng tốc để đuổi kịp.

Các thị trường mới như Trung Quốc và Malaysia có thể là một giải pháp. Tuy nhiên, các thỏa thuận giữa các nước cần có hợp đồng G2G. Năm 2014, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đã hợp tác cùng nhau khi một hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn được ký với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang đòi mua gạo với giá thấp hơn, gây áp lực buộc ngành gạo Campuchia phải có tính cạnh tranh cao hơn.

Tới một chừng mực nào đó, chính phủ Campuchia cũng thừa nhận những điểm yếu của ngành lúa gạo nước này. Trong tháng 5/2014, Liên đoàn lúa gạo Campuchia (CRF) được thành lập, với một nhóm các chuyên gia được giao trọng trách cải thiện năng suất và xuất khẩu. Nhưng các chuyên gia và các thành viên của chính liên đoàn cho rằng CRF chẳng so mấy tác động. Trong tháng 1/2015, CRF phát biểu trước báo giới rằng liên đoàn vẫn đang vất vả đối diện với các thách thức trong và ngoài.

Nếu mọi thứ vẫn như hiện nay, Song Saran cho rằng tương lai của ngành gạo Campuchia rất u ám. “Trong 7 năm, khi các nước khác đều tăng tốc sản xuất và FTA Việt Nam – EU có hiệu lực toàn bộ, ngành gạo Campuchia sẽ sụp đổ”, ông nói.

Theo Focus ASEAN



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường