Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên doanh lúa gạo Việt Nam - Campuchia: Đôi điều nhìn lại
16 | 09 | 2009
Mặc dù việc đàm phán và ký kết thành lập Liên doanh hợp tác lúa gạo Việt Nam - Campuchia đã được đề cập tới từ giữa tháng 8/2009 nhưng cho tới nay vẫn còn không ít những luồng ý kiến trái chiều nhau về sự hợp tác song phương này. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng "có lợi cho cả hai phía"; nhưng cũng không ít quan ngại và lo lắng về mục đích cũng như hoạt động của liên doanh sẽ xâm hại tới quyền và lợi ích của người nông dân Việt Nam. Vậy thực chất của vấn đề nằm ở đâu?

Tình hình sản xuất lúa gạo của Campuchia và vấn nạn nhập lậu lúa gạo Campuchia sang thị trường Việt Nam

Campuchia là một quốc gia nông nghiệp và lúa là loại cây trồng chủ yếu, chiếm tới 90% diện tích canh tác của nước này. Trong hơn 30 năm, từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước tới năm 2003, Campuchia là quốc gia nhập siêu sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, từ năm 2004, những nỗ lực và đầu tư nhằm tăng năng suất sản xuất gạo của nước này đã cho những kết quả đang mừng. Từ năm 2004, Campuchia xuất hiện trở lại trên thị trường thế giới với tư cách là nước xuất khẩu lúa gạo. Và liên tục trong 5 năm tiếp theo, sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia không ngừng tăng cao: năm 2004 là 300,000 tấn; năm 2008 đạt mức kỷ lục với 500,000 tấn và dự kiến năm 2009 lượng xuất khẩu sẽ lên tới 800,000 tấn . Hiện Campuchia đang đứng thứ 13 trên thế giới về sản xuất gạo với sản lượng 4,5 triệu tấn trong năm 2009 (*).

Cùng với việc Campuchia trở thành một nước xuất khẩu gạo thì trong thời gian qua, việc nhập lậu lúa gạo từ Campuchia sang thị trường Việt Nam, chủ yếu là khu vực phía nam Việt Nam đã và đang trở thành một vấn nạn. Bất chấp những biện pháp ngăn chặn từ phía Việt Nam và Campuchia, nguồn gạo từ nước láng giềng vẫn thường xuyên được chuyên chở qua biên giới và trôi nổi trên thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng gia tăng. Hệ quả là nguồn cung sản phẩm lúa gạo trên thị trường nội địa cũng được đẩy lên cao, tạo ra một sự cạnh tranh mới trên thị trường nông sản trong nước, tác động trực tiếp tới sức mua của người tiêu dùng.

Giải pháp của doanh nghiệp: thành lập Liên Doanh lúa gạo Việt Nam - Campuchia

Trên cơ sở thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia, trong thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký kết nhiều hợp đồng kinh doanh có giá trị với đối tác Campuchia. Các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực "Chế biến sản xuất gạo xuất khẩu" với việc thành lập Công ty Cổ phần Chế biến lương thực, thực phẩm Campuchia - Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch VFA: "Doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc với Campuchia với mục đích sẽ thành lập một công ty cổ phần lương thực, thực phẩm với sự góp vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Công ty Lương thực miền Nam và một công ty thuộc Bộ Thương mại Campuchia".

Nếu đàm phán thành công thì trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có công ty chuyên thu mua lúa gạo tại Campuchia. Sau đó công ty này sẽ chế biến và xuất khẩu gạo đi các nước trên thế giới. Theo VFA, đây là một biện pháp giao thương hữu hiệu trong thời gian tới nhằm hạn chế tình trạng xuất lậu lúa gạo và thúc đẩy việc nhập lúa gạo sang Việt Nam theo con đường chính ngạch. Khi mà việc nhập lậu không thể kiểm soát một cách triệt để thì thay vì để hàng tuồn tự do, các doanh nghiệp đưa lượng hàng này vào trong một khuôn khổ và định hướng tiêu thụ lượng hàng này một cách công khai, chính ngạch.

Về bài báo “Lo ngại Liên doanh gạo Việt Nam – Campuchia” đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn online, ngày 16/09/2009.
(
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/23426/)

Trong bài báo trên, tác giả Hoàng Kim (Đồng Tháp) đã trích dẫn một số thông tin mà theo tác giả nói là “Theo Agroinfo”. Cụ thể, theo tác giả đó là các thông tin sau:

Theo ArgroInfo (**) : “Nếu như việc đàm phán thành lập liên doanh thành công thì gạo Campuchia sẽ được xuất sang Việt Nam”.

Cũng theo ArgroInfo: “Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo trong nước giảm là do lúa gạo Campuchia chất lượng thấp qua đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam cao hơn nhiều so với dự đoán của VFA. VFA từng dự đoán cả năm sẽ chỉ có khoảng một triệu tấn gạo từ Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, mới đến giữa tháng 6, lượng gạo Campuchia vào Việt Nam lên tới con số một triệu tấn và đang có chiều hướng tăng”.

Thực chất đây không phải là những thông tin nguyên bản của Agroinfo. Những thông tin trên được tác giả Hoàng Kim trích trong “Campuchia sẽ trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn” của Agroinfo. (http://www.agro.gov.vn/news/newsDetail.aspx?targetID=15291). Một thiếu sót của chúng tôi là đã không trích rõ ràng nguồn của những thông tin trên. Thực tế đó là những thông tin được trích dẫn trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
(đăng ngày 19/8/2009 http://www.phapluattp.vn/news/kinh-te/view.aspx?news_id=266538).

Thay lời kết

Việc thành lập Liên doanh lúa gạo Việt Nam – Campuchia có thể sẽ hạn chế nguồn lúa gạo nhập lậu từ Campuchia qua biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, tác động và kết quả thực sự của sự kiện này như thế nào thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo ý kiến của chuyên gia Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – Agroinfo, bà Nguyễn Hiếu tâm thì: “Mặc dù lượng gạo của Campuchia nhập vào Việt Nam qua con đường chính ngạch sẽ tăng, nhưng tình trạng nhập lậu gạo vẫn khó được hạn chế. Các tiểu thương của Campuchia và cả của Việt Nam sẽ vẫn cố gắng tìm cách mua bán gạo lậu nhằm kiếm lợi nhuận cho riêng mình. Vấn đề này sẽ tiếp tục là bài toán khó và đòi hỏi nhiều biện pháp từ các nhà quản lý của Việt Nam”.


(*): Số liệu dựa theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ngày 13/8/2009.
(**):Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp - nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường