Khởi đầu, tờ báo Al-Ahram uy tín cả trăm năm - không chỉ ở Ai Cập mà cả thế giới Ả Rập - đăng phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nước này, khuyên người tiêu dùng chớ ăn cá basa nuôi trong nước ô nhiễm trên sông Mekong, hãy mua cá rô phi sông Nile... Nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác hùa nhau lên tiếng. Bỗng chốc giá cá basa bị rơi thảm thiết mà vẫn không bán được.
Rồi thông tin đảo chiều. Nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang, lưỡng lự cho đến ngày 1.4.2009, Bộ trưởng Nông nghiệp Amin Abaza tuyên bố: Các cuộc thử nghiệm, kiểm tra khẳng định cá basa nhập 100% từ Việt Nam là an toàn. Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp Ai Cập), tiến sĩ Hamed Samaha, khẳng định việc kiểm tra được tiến hành gắt gao và cá Việt Nam không chứa bất cứ chất gì có hại cho con người. Tiến sĩ Youssef Mamdooh, Cục trưởng Phòng ngừa thú y nói rõ hơn: Từ tháng 1.2008 đến nay, Ai Cập nhập 265 chuyến hàng cá basa Việt Nam với tổng lượng 29.000 tấn và chỉ có 9 trong số đó bị trả lại do các điều kiện về đông lạnh và bảo quản không được đảm bảo. Số hàng đã được đưa ra thị trường đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của Ai Cập.
Cá basa và tôm đông lạnh Việt Nam được xuất sang Ai Cập từ khoảng 3 năm trước, khi các nhà nhập khẩu phát hiện ra mặt hàng bán chạy này và theo nhau lao tới vùng đất xa xôi. Hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam tăng dần và đạt tới 63 triệu USD năm 2008, tăng 4 lần so với năm trước đó. Người tiêu dùng Ai Cập sung sướng với món cá ngon mà lại rẻ đến bất ngờ, chỉ bằng 1/3 giá cá rô phi. Cái sự bán chạy như “tôm tươi” đó thu hút thêm nhiều nhà nhập khẩu tới Việt Nam mua hàng, làm tràn ngập thị trường, chèn ép sản phẩm địa phương cũng như các nhà nhập khẩu thủy sản từ Vùng Vịnh hay châu Phi. Sản lượng thủy hải sản của Ai Cập hiện nay đạt 1 triệu tấn/năm, trong đó 63% từ nuôi và 37% từ đánh bắt tự nhiên trên biển và các vùng hồ. Sản lượng này có nguy cơ giảm vì diện tích mặt hồ bị thu hẹp dần do nạn lấn chiếm, chỉ còn lại 400.000 ha. Hằng năm, Ai Cập cho phép nhập 250.000 tấn thủy sản để bổ sung phần thiếu hụt. Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào nước này còn khá lớn.
Phát hiện vụ việc "không đáng có" ngay ngày khởi đầu, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chủ động trả lời báo chí sở tại dựa trên những hiểu biết chung về chất lượng, thị trường rộng lớn của thủy sản Việt Nam, lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp hai nước... Cuộc gặp của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam với Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Hợp tác quốc tế (đối tác trong Ủy ban liên chính phủ) cũng gấp rút được thực hiện, phối hợp với các nhà nhập khẩu mà lợi ích bị đe dọa trực tiếp, nhằm vận động cơ quan có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ lẽ phải. Vài ngày sau, chuyên viên kiểm định Bộ Y tế Ai Cập lên tiếng bảo vệ chất lượng thủy sản Việt Nam, khẳng định 3 cơ quan kiểm tra đã lấy trên 90 mẫu đưa vào Trung tâm thí nghiệm trung ương phân tích. Lô hàng nào không đạt đã bị cấm nhập...
Đáng tiếc là mãi tới ngày 31.3, khi “cuộc chiến” đi vào hồi kết, tài liệu phân tích từ trong nước mới được gửi sang Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập. Nhưng văn bản không thực sự thuyết phục ngay từ hình thức. Đối với Việt Nam, cuộc đấu tranh này không phải vừa xuất hiện. Vấn đề tương tự đã và đang phải xử lý ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Nga và hiện nay với Ý. Phản ứng thiếu kịp thời như vậy thật khó hiểu.
Khó hiểu hơn nữa là cùng ngày Ai Cập “bỏ cấm vận” (30.3.2009), khôi phục việc chứng nhận giấy tờ cho những lô hàng đi thì Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (NAFIQAVED) từ Việt Nam lại ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập. Các nhà nhập khẩu điện tới tấp, vặn vẹo, kêu ca vì chính Việt Nam bịt lối ra đối với các sản phẩm của mình. Nếu việc đó xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng thì chỉ cần tăng cường khâu kiểm tra, không vì bất cứ điều gì mà cấp chứng nhận cho các lô hàng kém chất lượng, không cần phong tỏa toàn bộ xuất khẩu thủy sản đi Ai Cập. Ngày 2.4.2009, nghĩa là sau 3 ngày ban bố, lệnh đó đã phải bãi bỏ.
Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy phản ứng chậm trễ và thiếu phối hợp là những điểm yếu kinh niên vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là vào thời điểm các ngành kinh tế trong nước đang ngày càng hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.