Thị trường hàng hóa những ngày giáp Tết đang “nóng” dần với sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm. Nhưng câu chuyện thị trường Tết không chỉ có thế, điều mà người tiêu dùng còn lo lắng hơn lại chính là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) đến mức báo động và không thể bỏ qua. Mất VSATTP và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã trở thành vấn đề nhức nhối và khó có thể giải quyết một cách cơ bản vì nhiều lý do.
Có thể nói, người tiêu dùng đang mang hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác khi nói và nghĩ về thực trạng mất ATVSTP. Hết câu chuyện mỡ thối, chân giò, thuốc quá hạn sử dụng lại đến hạt dưa ở Khánh Hòa được chủ cơ sở sản xuất dùng nhớt thải làm bóng… Rồi kinh khủng hơn khi Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia lại công bố một son số giật mình: 80% mẫu hạt dưa, ớt bột trong tổng số 50 mẫu thực phẩm được Viện này thực hiện trước dịp Tết cổ truyền có chứa chất Rhodamine B – chất nhuộm mầu cực kỳ độc hại có thể gây ung thư. Thực tế, chất nhuộm này bị cấm tuyệt đối dùng trong thực phẩm và thuốc. Người tiêu dùng bàng hoàng, thậm chí hoang mang nhưng rốt cuộc những vẫn phải “sống trong sợ hãi” với nguy cơ kiểu như thế. Bởi bằng mắt thường không ai có thể phân biệt nổi hạt dưa, hay ớt bột được nhuộm bằng mầu thực phẩm hay Rhodamine - B.
Cho đến giờ, câu chuyện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn trông nhiều vào Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thế nhưng không nhiều người tiêu dùng mặn mà với việc đi khiếu kiện. Trong khi đó không thể phủ nhận một thực tế là chính Hội này vì nhiều lý do cũng không đủ khả năng và thẩm quyền để đi tới cùng các vụ kiện hoặc theo đuổi những vi phạm nghiêm trọng với quyền lợi của người tiêu dùng.
Còn các lực lượng “gác” vấn đề ATVSTP lại thiếu và yếu về số lượng và trình độ khiến vấn đề mất VSATTP lại càng mất kiểm soát hơn và trở nên nghiêm trọng hơn, không chỉ đối với thực phẩm sản xuất trong nước mà cả thực phẩm nhập khẩu.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng chỉ có 7 người, làm nhiệm vụ bảo vệ 86 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, các Sở Công Thương địa phương dường như không có khái niệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thành viên của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng phần lớn là những người đã về hưu.
Giáp Tết cũng là lúc mà dân buôn lậu coi là “thời điểm vàng” để làm ăn. Hàng lậu bằng nhiều cách có lúc công khai, có lúc rầm rộ những cũng có lúc âm thầm chảy qua các vùng biên và nhanh chóng tuồn vào thị trường nội địa. Ví như ở Lạng Sơn, nhiều điểm nóng buôn lậu có tiếng, vẫn được người ta kể vanh vách như Tân Thanh, Cốc Nam, Cổng Trắng hay khu vực Hang Dơi….
Những ngày này ở các con đường mòn hai bên cánh của các cửa khẩu vẫn nhộn nhịp cửu vạn mang vác hàng lậu thuê. Hàng lậu đủ loại, chẳng thiếu thứ gì- chất lượng thì không thể kiển soát, hàng cấm như: pháo hoa, pháo nổ, súng nhựa, đạn nhựa, kiếm sắt… hàng thực phẩm là mứt, bánh kẹo, thuốc bắc, nguy hiểm nhất vẫn là gia cầm, đặc biệt là gà, nội tạng gà, vịt, lợn… được nhập khẩu với số lượng rất lớn. Không ít lần lực lượng hải quan, quản lý thị trường ở đây bắt được hàng tấn nội tạng đã bốc mùi, phân hủy… Nếu chẳng may các lô hàng này được vận chuyển chót lọi vào nội địa thì chắc chắn chúng lại được xử lý rồi được đưa vào bàn ăn của mỗi gia đình, mỗi quán ăn.
Có lẽ “cái gốc” của sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã rõ và trong khi chờ các cơ quan chức năng hoàn tất Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để trình Quốc hội thông qua vào năm 2010, người tiêu dùng chỉ còn cách trông vào “lòng tốt” của người bán, của những nhà sản xuất. Và tất nhiên khi đặt niềm tin quá lớn vào điều này thì hậu quả có thể dự báo trước là mất ATVSTP đã xảy ra và xảy ra với mức độ trầm trọng và đáng báo động hơn.