Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn
08 | 08 | 2007
Lúc nông nghiệp, nông thôn chuyển nhanh sức lực, "hóa thân" thành công nghiệp, đô thị là thời kỳ đặc biệt quan trọng của quá trình CNH.
Quá trình này đã diễn ra với nước Anh vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18, ở nước Mỹ khi đường sắt và các nhà máy phát triển mạnh trước nội chiến, ở Ðức giai đoạn sau cuộc cách mạng 1848, ở Nhật Bản khi Minh Trị tiến hành cuộc cải cách sau năm 1868, và ở nước Nga khi đường sắt, công nghiệp than đá, sắt, và công nghiệp cơ giới nặng phát triển mạnh trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917, ở Ðài Loan những năm 60 và Hàn Quốc thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Tuy các nước Âu - Mỹ đã trải qua giai đoạn này hàng trăm năm trước, các nước Ðông-Bắc Á mới vượt qua giai đoạn này vài thập kỷ qua, nhưng cách thức cất cánh của các nước công nghiệp đi trước khá giống nhau, đó là: khai thác ồ ạt tài nguyên tự nhiên (khoáng sản, gỗ rừng, hải sản,...) để xuất khẩu, nhập máy móc, thiết bị. Tình trạng tài nguyên kiệt quệ, ô nhiễm môi trường diễn ra trên quy mô rộng. Phát triển các ngành công nghiệp thu hút lao động (dệt-may, giày dép, chế biến nông sản,...), rút nhanh một lượng lớn lao động từ nông thôn ra đô thị nhưng để lại ở nông thôn những mâu thuẫn và vấn đề xã hội lớn. Ðất đai tập trung vào tay những người có khả năng quản lý, tăng quy mô sản xuất, hộ tiểu nông trở thành trang trại cơ giới hóa sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, tăng năng suất lao động nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường đô thị tăng nhanh, được nông nghiệp đáp ứng lượng nông sản lớn giúp bảo đảm giá trị đồng lương thực tế, giữ cho công nghiệp phát triển ổn định. Nông sản dư thừa được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, bắt đầu từ sản phẩm thô, rồi nâng dần chất lượng và giá trị.

Bán được hàng, nông thôn tăng thu nhập liên tục, trở thành thị trường ngày càng lớn cho hàng hóa công nghiệp. Hàng công nghiệp sau khi lấp đầy thị trường trong nước cũng là lúc có đủ chất lượng và tích lũy công nghệ để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Khi quá trình cất cánh đã hoàn thành, nền kinh tế đã công nghiệp hóa, nông nghiệp mất dần khả năng cạnh tranh, Nhà nước tái phân phối để bù đắp các mất mát về kinh tế, xã hội và môi trường của lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, quay lại bảo vệ thị trường nông sản, trợ cấp nông nghiệp. Bước tiếp theo, các nước đã trở nên giàu có viện trợ, cho vay phát triển trở lại cho nước nghèo, bù đắp những thiệt hại về môi trường, thị trường và xã hội đã gây ra trên quy mô quốc tế trong quá trình công nghiệp hóa.

ÐỐI với nước ta, lao động nông thôn chuyển sang công nghiệp dịch vụ và đô thị chưa được nhiều, chia sẻ lượng việc làm ngày càng hạn chế trong nông nghiệp. Ngành nông nghiệp chỉ còn đóng góp 20% GDP quốc gia nhưng vẫn tạo nguồn việc làm cho 60 - 70% tổng lao động xã hội đang ở lại nông thôn.

Dân cư nông thôn tiếp tục tăng, trong khi đất đai thu hẹp làm cho bình quân ruộng đất ở nước ta trở nên chật hẹp, không thể cơ giới hóa, hay áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại. Năng suất lao động nông nghiệp giảm dần. Khả năng cạnh tranh của nông sản không cao.

Trong khi tăng trưởng của nông nghiệp chậm lại, khả năng tích lũy từ sản xuất nông nghiệp không đáng kể thì mức độ đầu tư của xã hội vào nông thôn rất thấp (chi tiêu công chỉ đạt 5-6% ngân sách nhà nước, tương đương 3-6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, bằng khoảng một nửa tỷ lệ trung bình ở các nước Ðông và Nam Á. Tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư xã hội cũng chỉ chiếm 6-7%). Vì vậy, việc phát triển ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn diễn ra rất chậm, càng hạn chế khả năng tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Phần lớn dân số cả nước là cư dân nông thôn có thu nhập thấp, cho nên sức mua chung cả xã hội hạn chế. Năm năm trước, khi cư dân nông thôn chiếm 80% dân số cả nước thì chi phí tiêu dùng của họ cũng chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu xã hội. Vì vậy, nông thôn không thể trở thành thị trường cho công nghiệp, dịch vụ lấy đà vươn xa ra quốc tế. Những nước "cất cánh" thành công đều có nền công nghiệp phát triển nhanh, đồng thời với sự thu hẹp nhanh chóng tỷ lệ lao động nông nghiệp và cư dân nông thôn.

Nếu nông thôn, nông dân không chuyển từ "gánh nặng" thành nguồn lực thúc đẩy động cơ công nghiệp hóa thì ngay cả những nước có tài nguyên dầu mỏ như nhiều quốc gia Trung Ðông, có công nghiệp, công nghệ rất mạnh như Ấn Ðộ, Nam Phi,... vẫn không thể thoát ra khỏi "thế giới thứ 3".

Việt Nam lúc này vừa đi nhanh vào công nghiệp hóa, vừa mở cửa hội nhập, vừa chuyển dần nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nếu chỉ lo giữ mức tăng trưởng bằng phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu... thì chưa đáp ứng đầy đủ để đất nước phát triển nhanh và vững chắc. Lúc này, sản xuất nông nghiệp không đơn thuần chỉ là để giải quyết an ninh lương thực, xuất khẩu lấy ngoại tệ, mà vấn đề nông thôn, nông dân đã chuyển từ kinh tế sang nội dung mới, bao hàm cả yếu tố chính trị, xã hội và môi trường.

Bên cạnh thách thức mới, vận hội đang đem lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi mới mà nhiều nước đi trước không có: cánh cửa ra thế giới đã rộng mở cho thị trường hàng hóa và dịch vụ thông thương hai chiều; mở đường cho nhiều nguồn vốn viện trợ và sẵn sàng đầu tư; mở lối cho khoa học - công nghệ chuyển giao và liên kết... Phải huy động cho được những lợi thế trên, biến chúng thành "nhiên liệu cho động cơ" phát triển kinh tế.

TS ÐẶNG KIM SƠN


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường