Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hai mặt trong chính sách trợ giá gạo của Thái Lan
07 | 03 | 2009
Chính phủ Thái Lan đã thu được những lợi ích đáng kể về mặt chính trị thông qua chương trình can thiệp giá gạo đễ hỗ trợ nông dân trong nước, song kế hoạch này có thể đem lại những kết quả không mong đợi trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, do các đối thủ cạnh tranh giành mất thị phần trên thị trường gạo thế giới nhờ giá thấp hơn.

Chương trình can thiệp của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva có thể xoa dịu 20 triệu nông dân trong nước, thông qua việc bảo vệ thu nhập cho họ, vốn đang trở nên xấu đi trong thời gian gần đây do giá gạo sụt giảm, song các chuyên gia phân tích cho rằng kế hoạch này đã nới rộng khoảng cách giá gạo xuất khẩu của Thái Lan so với các đối thủ cạnh tranh, và có thể khiến kim ngạch xuất khẩu gạo Thái Lan giảm khoảng 15% trong năm nay. Theo kế hoạch trợ giá, chính phủ sẽ mua thóc của nông dân với giá 12.000 baht (340 USD)/tấn, cao hơn đáng kể so với giá thị trường vốn chỉ khoảng 9.000 baht/tấn, và tương đương với 600 USD/tấn gạo đã xay xát. Giá gạo xuất khẩu sau đó sẽ được bán quanh mức này. Các nhà xuất khẩu Thái Lan nhận định rằng, việc giá gạo Thái 5% tấm được ấn định ở mức 550 USD/tấn, cao hơn tới 110 USD/tấn so với gạo Việt Nam, sẽ không chỉ nới rộng khoảng cách về giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan (vốn chỉ chênh lệch khoảng 30 USD/tấn trong 2 năm qua), mà còn trở thành lợi thế cho Việt Nam khi có thể xuất khẩu nhiều gạo hơn trong năm nay.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự đoán, doanh số bán gạo trắng trong năm nay của nước này sẽ sụt giảm xuống dưới 8,5 triệu tấn, so với mức 10 triệu tấn năm 2008 và 9,5 triệu tấn năm 2007. Chủ tịch Hiệp hội, Chookiat Ophaswongse thừa nhận: "Thái Lan gần như đã hết hy vọng bán gạo trắng, bởi lẽ chúng tôi không thể cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả khắc nghiệt, khi mà Việt Nam có thể bán gạo rẻ hơn chúng tôi tới 100 USD/tấn".

Theo dự đoán, Việt Nam có thể xuất khẩu tới 3,5 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2009, tăng khoảng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào số hợp đồng mua gạo từ Philíppin tăng mạnh. Không chỉ phải "dè chừng" Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng cần chú ý tới Mianma -quốc gia này đã xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 1/09- khi nhu cầu gạo từ châu Phi tăng đáng kể. Một nhà buôn bán thuộc công ty thương mại Louis Dreyfus cũng cho biết: "Tôi có thể chuyển sang mua gạo từ các nhà cung cấp khác, không chỉ Việt Nam mà có thể là Campuchia hay Mianma, nếu chất lượng đảm bảo và mức giá phải chăng". Trong khi đó, tháng 1/09, xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhiều khách hàng chuyển hướng sang mua gạo từ một số đầu mối khác. Nếu xu hướng này tiếp diễn, hoạt động xuất khẩu gạo Thái Lan khó có thể đạt mục tiêu 8,5-9 triệu tấn năm 2009.

Xuất khẩu gạo đem lại khoảng 6 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Thái Lan và chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này. Khoảng 1/3 trong dân số 64 triệu người tại Thái Lan là nông dân, trong đó phần lớn là nông dân nghèo trồng lúa gạo tại miền Trung và vùng Đông Bắc nước này. Các khu vực nông thôn Thái Lan có vai trò chính trị hết sức quan trọng đối với bất kỳ chính phủ nào, khi có quyền nắm tới một nửa trong tổng số 476 ghế tại Quốc hội. Do đó kế hoạch mua gạo của nông dân với giá cao có thể coi là một biện pháp để chính phủ Thái Lan kiểm soát hợp lý nguồn cung và thúc đẩy giá gạo trong nước, đồng thời ngăn chặn những nguy cơ bất ổn xã hội tiềm ẩn, khi giá gạo hay các mặt hàng khác sụt giảm. Các chuyên gia cho rằng chính những bất ổn chính trị kéo dài trong năm 2008 đã thôi thúc Chính phủ Thái Lan cần phải bảo vệ sự ổn định xã hội bằng mọi giá, và không thể làm ngơ khi một số lượng không nhỏ nông dân trồng lúa đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Băng Cốc, Sompop Manarungsan, nhận định sẽ rất khó để bất kỳ Chính phủ Thái Lan nào lên cầm quyền có thể chấm dứt hay loại bỏ kế hoạch can thiệp giá. Điều này không chỉ vì lý do kinh tế, mà đã trở thành một thứ văn hóa chính trị mà bấy lâu nay người Thái đã quá quen thuộc, nếu không chắc chắn sẽ nảy sinh những bất ổn hay chống đối. Thậm chí, Chính phủ Thủ tướng Abhisit, vốn trước kia thường chỉ trích gay gắt các chính sách theo kiểu chủ nghĩa dân túy của cựu Thủ tướng Thaksin, thì nay cũng phải can thiệp vào chính sách giá gạo. Lý do đầu tiên chính là vì mục đích duy trì sự ổn định chính trị. Lý do thứ hai và rất quan trọng là kế hoạch này có thể thu hút những cử tri trong trường hợp giải tán chính phủ, hay khi chính phủ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất thường.

Dẫu vậy, theo một quan chức cấp cao trong Bộ Thương mại Thái Lan, quốc gia này có thể tiếp tục nới rộng chương trình trợ giá (vốn sắp hết hạn) và kết hợp với biện pháp trợ giá trước đây nhằm duy trì các kế hoạch can thiệp thị trường gạo trong nước, bất chấp viễn cảnh u ám khi hoạt động xuất khẩu sụt giảm và nguy cơ kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái. Ngay cả khi giá gạo đạt mức cao kỷ lục 1.080 USD/tấn hồi tháng 4/2008, đẩy mức giá trong nước lên 12.000-13.000 baht/tấn, chính phủ vẫn phải mua thóc của nông dân với mức giá "trên trời" 14.000 baht/tấn, bất chấp những phản ứng gay gắt trong Quốc hội. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc chính phủ trợ giá hơn nữa có thể gây ra những tổn thất lớn trong trường hợp giá gạo sụt giảm trong tương lai, khiến Thái Lan khó có thể bán lượng gạo dự trữ trong kho mà đã mua với giá quá cao.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường