Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Lan giảm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới tăng?
13 | 09 | 2011
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh giá lương thực thế giới. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng Thái Lan đang thiếu thận trọng trong chính sách hỗ trợ giá gạo và dự đoán rằng giá lương thực sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu nông sản của Thái Lan.

Trong chiến dịch bầu cử vừa qua, thủ tướng Yingluck Shinawatra đã cam kết sẽ sử dụng ngân sách chính phủ để mua lúa của nông dân với giá 15.000 baht/tấn (khoảng 500USD) vào vụ thu hoạch tới, gần gấp đôi giá thị trường lúc đó. Nhờ cam kết này, bà Yingluck đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 2.7. Nhưng con số thực tế mà uỷ ban Chính sách lúa gạo Thái Lan phê duyệt cho chương trình này là 20.000 baht/tấn, cao hơn 5.000 baht so với giá thị trường hiện tại. Khoảng 25 triệu tấn gạo sẽ được thu mua với nguồn vốn vay từ ngân nàng Nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp.

Hứa hẹn này từ tân thủ tướng giúp tăng thu nhập cho nông dân Thái, mặt khác có thể giúp đẩy giá gạo thế giới lên cao hơn. Hiện Thái Lan cung cấp khoảng 1/3 lượng gạo giao dịch quốc tế, và bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của quốc gia 67 triệu dân này, cũng có thể tác động đến chi phí về gạo ở các nước từ Philippines đến Nigeria (các nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới).

Có rất ít nước sản xuất gạo thế giới giao dịch qua biên giới, điều này cho phép Thái Lan có một vị thế ảnh hưởng đặc biệt tới cung cầu lương thực toàn cầu. Năm 2011, Thái Lan đã xuất khẩu 29% tổng sản lượng lương thực sản xuất ra, theo số liệu từ Tổ chức nông lương thế giới (FAO).

Hiện tại, giá gạo trắng loại B đã qua xay xát của Thái giá 640 USD/tấn, tăng hơn 30% từ tháng 4.2011, mức cao nhất trong suốt 18 tháng qua. Một số nhà phân tích dự đoán giá sẽ lên 800 USD/tấn nếu chương trình hỗ trợ giá gạo của Thái Lan có hiệu lực hoàn chỉnh.

Ông Samarendu Mohanty, nhà kinh tế ở Viện nghiên cứu gạo quốc tế, Los Banos, Philippines nói "nhiều dự đoán giá gạo tăng và quá trình tích trữ đang diễn ra, nông dân có thể ghìm hàng để bán cho chính phủ với giá cao hơn”. Tuy nhiên, nông dân ở Uthai Thani, vùng vành đai lúa miền trung Thái Lan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng họ không hề tích trữ gạo, nông dân sẽ hỗ trợ hết mình cho kế hoạch mua gạo của chính phủ từ 7.10.2011-29.2.2012.

Thế giới đang phải hứng chịu cơn lốc tăng giá lương thực dài hạn. Câu hỏi đặt ra là, liệu chính sách hỗ trợ giá của Thái Lan sẽ giúp mở rộng sản xuất nông nghiệp những năm gần đây hay làm trầm trọng thêm sự tăng giá, nguy cơ suy thoái toàn cầu có đủ sức chặn lại động thái đẩy giá gạo của Thái Lan?

Một số nhà phân tích nghi ngờ giá lương thực sẽ cao hơn nhiều. Ông Ammar Siamwalla ở viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan cho biết Thái Lan có thể quá tay trong chính sách hỗ trợ lần này. Ông cảnh báo nguy cơ rơi vào một vòng luẩn quẩn khi chính phủ phải chi một số tiền lớn cho nông dân sản xuất nhiều gạo hơn trong khi giá gạo chưa hẳn duy trì được mức hiện có.

Ông Mohanty cho biết thêm, lúa gạo hiện nay được trồng nhiều hơn so với năm 2008. Lần đầu tiên trong ba năm qua, Ấn Độ có thể sẽ xuất khẩu gạo với số lượng đáng kể nếu nước này ban hành giấy phép vận chuyển cho tư nhân đúng thời hạn. Một số nhà phân tích hàng hóa cho biết Thái Lan có thể bị mất thị phần về tay các đối thủ như Việt Nam khi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm dự kiến hoàn thành trong hai tuần. Giá gạo tấm 5% của Việt Nam tuần trước đạt từ 550-565 USD/tấn, tăng 18% trong vòng một năm. Nhiều thương gia dự đoán giá sẽ lên 20-30 USD/tấn, tuy nhiên sẽ không đạt được mức kỷ lục như tháng 4.2008. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm 20% vào năm 2012 vì chương trình mua gạo lần này.

Giá một số loại cây trồng vẫn tiếp tục tăng, ngay cả khi sản lượng những năm gần đây đã cao hơn, làm dấy lên lo ngại lạm phát thực phẩm tăng trở lại. Thông tin từ FAO, giá lúa mì giao dịch vẫn giữ ở mức cao dù sản lượng đã được cải thiện. Tuần trước, chỉ số giá lương thực giảm một điểm, còn 231 điểm, giảm chỉ 3% so với mức kỷ lục thiết lập từ tháng 2.2011. Liên hiệp quốc cảnh báo lương thực tồn kho có thể bị siết chặt khi thất mùa để đáp ứng kịp nhu cầu.

Báo cáo từ tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đưa ra tuần trước nêu lên lập luận thế giới cần tăng sản lượng nông nghiệp 70% vào năm 2050 để cung ứng kịp nhu cầu khi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục tăng dân số. Giá lương thực tăng cao cũng được xem là nguyên nhân gây biến động chính trị ở thế giới Ảrập năm nay.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường