Giá chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa vì đồng Baht Thái cao giá, đã tăng trên 6% so với USD từ đầu năm tới nay, gây sức ép khiến các nhà xuất khẩu phải tăng giá chào bán.
Gạo 100% B của Thái Lan giá đã tăng 10% so với thời điểm này năm ngoái, hiện đạt 338 USD/tấn. Dự báo năm tới, giá có thể sẽ cao hơn mức 350 USD/tấn do nhu cầu tiếp tục tăng.
Các chương trình can thiệp giá của chính phủ cũng góp phần hỗ trợ giá tăng. Hàng năm, chính phủ Thái mua gạo từ nông dân trong giai đoạn thu hoạch, khi có thêm khoảng 23 triệu tấn thóc được đưa vào thị trường, để giữ giá gạo trong nước cao.
Trong niên vụ bắt đầu từ tháng 11/2007, chính phủ sẽ tăng giá thu mua thóc từ nông dân thêm 200-600 Baht/tấn so với chương trình lần trước. Cụ thể, thóc trắng loại sản xuất gạo 100% B sẽ được trả giá 6.700 baht/tấn, tăng so với 6.500 baht của vụ trước, còn thóc thơm sẽ được trả giá 9.300 baht/tấn, cao hơn so với mức 8.700 baht/tấn.
Bộ Thương mại Thái Lan vừa chào bán tổng cộng 913.439 tấn gao hương nhài, gạo trắng 5% tấm và 25% tấm từ kho dự trữ của mình. Gạo 5% tấm dự trữ từ niên vụ 2004-05 được trả giá 192-276 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm được trả giá 213-242 USD/tấn, FOB.
Gạo 5% tấm tích trữ từ niên vụ 2005-06 được trả giá 192-287 USD/tấn, trong khi loại 25% tấm được trả giá 242-261 USD/tấn, FOB Bangkok.
Lúc này đang là thời điểm thuận lợi để xuất gạo dự trữ ra, bởi nhu cầu gạo từ khách hàng nước ngoài đang mạnh trong khi Ấn Độ và Việt Nam giảm xuất khẩu.
Song giá gạo Thái sẽ bị hạn chế tăng vào tháng 3/2008, khi Việt nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, thu hoạch vụ chính. Tuy nhiên, kể cả khi đó giá cũng sẽ không giảm mạnh, bởi sản lượng của Việt Nam cũng không quá lớn.
Việt Nam thông báo sản lượng thóc quốc gia niên vụ này, bắt đầu từ tháng 2, chắc chắn giảm 0,7% xuống 35,6 triệu tấn, do thời tiết xấu và nông dân chuyển sang trồng những loại cây khác cho hiệu quả cao hơn, kể cả chuyển diện tích trồng lúa sang nuôi thả tôm cá.