Hải Hậu là 1 trong 3 huyện của tỉnh Nam Định được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm cho cây lúa. Theo ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp của tỉnh, đến hết tháng 9, Nam Định đã hoàn thiện kế hoạch cụ thể để triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Các huyện đã thành lập ban chỉ đạo, 1 số huyện đã xúc tiến hướng dẫn, quán triệt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp tới cấp xã. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ nông dân vẫn có rất ít thông tin về chính sách này.
Chị Lưu Thị Giang - Hải Hậu, Nam Định: “Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết có thông tin gì về bảo hiểm nông nghiệp. Trồng lúa thì cũng có mùa nọ mùa kia, hay mất mùa, nên chúng tôi rất mong muốn sự phát triển của nông nghiệp nông thôn thực hiện được bảo hiểm.”
Ông Nguyễn Văn Hoành – Nông dân Hải Hậu, Nam Định: “Qua truyền hình chúng tôi cũng biết có bảo hiểm nông nghiệp nhưng thực tế thế nào thì chưa rõ. Bà con xã viên chúng tôi rất muốn được trên triển khai từng hộ gia đình về bhnn để bà con yên tâm tăng gia sản xuất, đưa những giống cây giá trị vào và năng suất cao cho nông nghiệp bà con, cho nông dân, chúng tôi rất hưởng ứng.”
Sản xuất nông nghiệp ở nước ta chịu rất nhiều rủi ro trong khi hiệu quả thấp, sản xuất phân tán. Người dân lại chưa coi trọng việc mua bảo hiểm. Thậm chí, nhiều người dân chưa hiểu thế nào là bảo hiểm và họ được hưởng lợi gì từ bảo hiểm. Chương trình thí điểm BHNN giai đoạn 2011- 2013 theo quyết định của Thủ tướng sẽ được triển khai tại 21 tỉnh thành. Chương trình nhằm từng bước giải quyết những tồn tại trước đây, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: “Lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực khó khăn và có thể nói là rủi ro ngay cả đối với các đơn vị thực hiện bảo hiểm nông nghiệp mặc dù họ làm bảo hiểm để hạn chế rủi ro nhưng họ cũng sẽ bị rủi ro chính vì thế mà trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp những nước đang phát triển như chúng ta thì đây là lĩnh vực mới, nông dân chưa có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này và cũng chưa có tự giác tham gia nhiều thì vai trò của nhà nước và chính sách làm thế nào để nâng đỡ và thu hút.”
Ông Phùng Đình Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định: “Đối tượng bảo hiểm là nông nghiệp, là cây lúa cũng như một số loại vật nuôi và cây trồng khác, nó không hề đơn giản chút nào bởi vì nó là vật sống chịu tác động rất nhiều từ điều kiện ngoại cảnh, của thiên tai, dịch bệnh và địa bàn trải rộng, nông dân thì từ trước đến nay chưa quen các hoạt động bảo hiểm này cho nên là chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản nhưng mà với một quyết tâm nỗ lực rất là cao và sự vào cuộc của các cấp các ngành chỉ đạo quyết liệt, thông qua hoạt động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ đạt đựơc kết quả nhất định”
Thực tế triển khai bảo hiểm nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ trước đây đã chứng minh, nếu không hạn chế được rủi ro về nhận thức của người nông dân thì bảo hiểm nông nghiệp sẽ rất khó thành công. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ chủ trương, ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm là rất cần thiết. Công tác này cần được thực hiện tích cực ngay từ đầu.
Agroinfo - TTXVN