Theo đó, các đối tượng nuôi cần được ưu tiên phát triển là cá tra, tôm và nhuyễn thể, với hình thức mở rộng nuôi công nghiệp, thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch theo quy chuẩn quốc tế, áp dụng rộng rãi quy trình thực hành nuôi tốt (GAP). Bộ cũng tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để khai thác lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng ven biển. Ngành thủy sản chú trọng phát triển hệ thống giống thủy sản, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản để đến năm 2015 sẽ cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống sạch bệnh cho các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể. Ngành phấn đấu tổng sản lượng đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm từ 65 – 70%.
Trước mắt trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp yêu cầu cần cơ bản giữ ổn định về sản lượng và diện tích nuôi cá tra, tập trung nâng cao chất lượng gia tăng giá trị mặt hàng này. Các địa phương phát triển sản xuất các đối tượng tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá biển; đẩy mạnh phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng ở tất cả các vùng miền trong cả nước, chú trọng và khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô hộ, đẩy mạnh đầu tư phát triển khu vực bán đảo Cà Mau, nhất là đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bộ cũng giao Tổng cục Thủy sản tập trung rà soát lại các quy hoạch, xác định và hướng dẫn mô hình nuôi phù hợp cho các đối tượng cụ thể ở từng vùng, miền trong cả nước.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Bộ khuyến khích các địa phương chuyển từ khai thác tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ và viễn dương. Đối tượng khai thác có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ tốt, áp dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch./.
Theo TTXVN