Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá bột cá có thể tăng 43% vào năm 2020
16 | 07 | 2011
Giá dầu cá cũng có thể tăng 19% lên 1.382 USD/tấn trong khi giá cá nuôi có thể tăng 50% lên 2.825 USD/tấn.
Theo báo cáo Triển vọng Nông nghiệp thế giới năm 2011 do Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) biên soạn, giá bột cá năm 2020 có khả năng tăng 43%, đạt 1.940 USD/tấn so với mức giá trung bình 1.355 USD/tấn trong giai đoạn từ 2008 đến 2010.
 
Năm 2020, giá dầu cá cũng có thể tăng 19% lên 1.382 USD/tấn trong khi giá cá nuôi có thể tăng 50% lên 2.825 USD/tấn.
Ông Audun Lem, một trong các tác giả của báo cáo đồng thời là chuyên viên cao cấp về tiếp thị nghề cá của FAO cho biết, đây là lần đầu tiên các số liệu nghề cá được đưa vào báo cáo do số liệu trước đây về nghề cá không đồng bộ.
 
Việc đưa số liệu nghề cá vào báo cáo làm rõ hơn phạm vi liên kết của các lĩnh vực khác nhau như gia cầm, thủy sản khai thác, thủy sản nuôi và ngũ cốc. Các dự báo nghề cá trong báo cáo chỉ ra mọi mối liên kết từ thủy sản khai thác tới tiêu dùng và giá thịt gà.
 
Ví dụ, dự báo nguồn cung bột cá và dầu cá vẫn ổn định nhưng giá sẽ tăng do nhu cầu bột cá trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đang tăng và dầu cá sẽ phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Điều này sẽ làm tăng chi phí và giá sản phẩm thủy sản nuôi. Mặt khác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có khả năng tăng năng suất và sản lượng nên sẽ kéo chi phí xuống thấp.
 
Theo những dự báo của FAO và OECD, giá thủy sản nuôi có khả năng tăng mạnh hơn giá thủy sản khai thác. Giá thủy sản khai thác dự kiến chỉ tăng 23%, lên 1.223 USD/tấn năm 2020. Điều này là do những thay đổi sắp tới trong cơ cấu nghề cá, với việc khai thác nhiều hơn các loài cá có giá trị thấp hơn. Xu hướng này vừa mới bắt đầu vì đầu năm nay, các sản phẩm thủy sản nuôi đắt hơn 23% so với hồi tháng 9/2008.
 
Báo cáo cũng dự báo nuôi trồng thủy sản vẫn là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất so với các hệ thống sản xuất thực phẩm khác, với tổng sản lượng đạt 73,6 triệu tấn năm 2020, trừ rong biển (chiếm gần 20 triệu tấn năm 2009).
Tuy vậy, tăng trưởng nuôi trồng thủy sản dự kiến giảm đáng kể từ 5,6% trong giai đoạn 2008 - 2010 xuống mức 2,8% hàng năm.
Sự suy giảm sản lượng thủy sản nuôi là do thực tế sản lượng thủy sản nuôi lúc đầu nhỏ nên tốc độ tăng trưởng ban đầu cao hơn. Tuy nhiên các vùng nước và diện tích nuôi ngày càng hạn chế cũng như những vấn đề mâu thuẫn giữa người sử dụng với các ngành khác. Giá và chi phí cao hơn cũng sẽ gây áp lực tới nhu cầu ở một số thị trường.
 
Dự báo tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản ở một số khu vực như EU và Bắc Mỹ giảm.
 

Lượng thủy sản nuôi trong tổng sản lượng thủy sản tiêu dùng dự báo sẽ tăng đều từ 47% trong giai đoạn 2008 - 2010 lên 51% năm 2015 và 54% năm 2020.



Theo

Vasep


Báo cáo phân tích thị trường