GS-TS Nguyễn Vân Nam (Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, một người am hiểu luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã có một số phân tích xung quanh khuyến nghị của WTO đối với vụ kiện chống bán phá giá tôm VN.
Mỹ đã phản đối
Ông đánh giá như thế nào về phán quyết mới đây của WTO?
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của VN, Hội đồng Giải quyết tranh chấp (xin gọi tắt là Hội đồng - PV) của WTO sẽ thành lập một cơ quan giải quyết những vụ việc tranh chấp cụ thể giữa hai nước Mỹ và VN. Cơ quan này có nhiệm vụ làm ra một báo cáo khuyến nghị và gửi cho tất cả thành viên thuộc WTO. Xin nói rõ đây chỉ là một báo cáo kèm theo khuyến nghị liên quan đến tranh chấp. Trong vòng 60 ngày, nếu hai nước không có đơn yêu cầu xem xét, báo cáo đó sẽ được Hội đồng chấp nhận. Ngoài ra, theo nguyên tắc “nhất trí ngược” của WTO, báo cáo này sẽ không được chấp nhận nếu như có 100% thành viên của hội đồng xử lý tranh chấp không chấp nhận. Cái vui ở đây là chỉ cần một thành viên chấp nhận là báo cáo sẽ được thông qua. Đến lúc đó báo cáo mới là phán quyết phải thi hành.
Trong trường hợp một trong hai nước không đồng ý với khuyến nghị, Hội đồng sẽ cử ra một hội đồng làm việc liên quan pháp lý đến vụ tranh chấp. Ở vụ việc này, Bộ Tư pháp Mỹ đã có thông báo không đồng ý về khuyến nghị lên Hội đồng. Tuy nhiên, Mỹ cần phải giải thích rõ tại sao không chấp nhận khuyến nghị. Hội đồng xét xử lần tới cũng chỉ làm việc về những vấn đề này và có thể sửa chữa hoặc hủy bỏ báo cáo trước đó. Do đó khuyến nghị của WTO chưa có thể khẳng định VN đã thắng lợi trong vụ khiếu nại này.
Nhưng rõ ràng khuyến nghị WTO như vừa qua có lợi cho VN, thưa ông?
Đương nhiên là có lợi nhưng báo cáo không có giá trị về mặt pháp lý và buộc Mỹ phải thực hiện. Để báo cáo có hiệu lực thì phải được Hội đồng thông qua. Cho nên nếu xem việc giải quyết tranh chấp của tổ chức WTO phải qua ba bước thì hiện nay VN mới chỉ qua bước đầu tiên thôi.
Lần đầu tiên Việt Nam đã sử dụng quyền khiếu nại lên WTO để bảo vệ con tôm trên thị trường quốc tế.
|
Chưa có nước nào áp dụng “zeroing”
Vậy trong trường hợp báo cáo này được Hội đồng thông qua thì tương quan giữa ta và Mỹ trong vụ tranh chấp ra sao?
Như tôi đã nói ở phần trên, báo cáo mà WTO đưa ra còn chung chung và không mang tính pháp lý. Nhưng nếu báo cáo được Hội đồng thông qua, lúc đó Mỹ sẽ phải thực hiện. Nếu chứng minh được phương pháp tính zeroing mà Mỹ đưa ra là sai và gây thiệt hại, VN có thể yêu cầu Mỹ bồi thường.
Trong trường hợp Mỹ không thực hiện, VN có quyền thực hiện các biện pháp trả đũa đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào VN, như tăng thuế hay đặt ra hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, lo ngại biện pháp trả đũa sẽ không đạt kết quả khả quan do hàng Mỹ xuất vào VN rất ít, trong khi hàng xuất khẩu của VN phụ thuộc rất nhiều vào họ. Ở đây cần phải nói thêm, cơ chế của WTO không hữu hiệu lắm đối với những nước không hội nhập sâu vào quốc tế.
Diễn biến vụ việc sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Tất nhiên là sẽ xử thôi. Hiện tôi chưa có văn bản “kháng cáo” nên chưa biết Mỹ phản đối những điểm nào. Tuy nhiên, có một điểm yếu của luật sư nước ngoài bảo vệ doanh nghiệp VN là yêu cầu xem xét không để cho Mỹ áp dụng phương pháp zeroing đối với các lô hàng trong tương lai. (Zeroing là một phương pháp tính toán trong quá trình tính biên độ phá giá, trong đó cho phép quy về 0 tất cả các giao dịch có biên độ phá giá âm - PV). Lập tức yêu cầu này bị Hội đồng bác bỏ với lý do các biện pháp trong tương lai không phải là đối tượng xem xét của tranh chấp này. Về nguyên tắc, không thể xét xử cái chưa xảy ra.
Thưa ông, ngoài Mỹ thì có nước nào sử dụng phương pháp zeroing trong việc tính thuế chống bán phá giá hay không?
Chưa thấy nước nào áp dụng phương pháp này. Nhưng lại có nhiều nước chống lại phương pháp zeroing của Mỹ và giành được thắng lợi. Tuy nhiên, mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau nên không thể nói họ thắng là ta thắng được. Có một điều ta phải lưu ý là dù từng thua nhiều nước nhưng Mỹ vẫn cứ áp dụng phương pháp này.
Dám dùng quyền của mình
Mỹ và VN đều là thành viên WTO, cho nên buộc phải tuân thủ luật lệ do tổ chức này đưa ra. Vậy tại sao Mỹ lại không tuân thủ, thưa ông?
Tôi vẫn cho rằng các nước phát triển luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng tại sao Mỹ lại không tuân theo. Có một giải thích rất đơn giản là phương pháp zeroing này không phải bị cấm tổng quát mà chỉ bị cấm đối với từng nước. Do vậy Mỹ vẫn áp dụng phương pháp zeroing cho các nước khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lập luận của riêng tôi.
Vậy ông có nghĩ rằng Mỹ lợi dụng kẽ hở của WTO để sử dụng những biện pháp có tính áp đặt đối với nước yếu hay không?
Mỹ không lợi dụng kẽ hở mà chính là vận dụng những quy định của WTO. Cần phải biết rằng Mỹ là một trong những nước chủ chốt soạn thảo ra luật WTO và đã biết cách vận dụng nó. Đấy là ưu thế của phía đã soạn thảo và ban hành luật chơi. Tuy nhiên, qua vụ này, chí ít ta hiểu phần nào đó luật lệ WTO. Phán quyết như vừa qua cũng mang tính khích lệ cho VN tiếp tục theo đuổi vụ việc. Đây cũng là lần đầu tiên VN dám sử dụng quyền của mình khiếu nại lên WTO.
Xin cảm ơn ông.
Theo Trung Hiếu
PL TPHCM