Thái Lan vẫn là đối thủ chính của Ấn Độ trên thì trường gạo đồ và khi New Delhi tạm ngừng xuất khẩu để tránh tình trạng thiếu cung, khách hàng đã chuyển sang nhập khẩu gạo của Thái Lan.
Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn gạo đồ và Thái Lan xuất khoảng 1,8 triệu tấn, hầu hết là sang châu Phi.
Nhu cầu tăng đã khiến giá gạo đồ xuất khẩu tăng lên 365 USD/tấn (giá FOB), cao hơn cả mức 350 USD/tấn của gạo trắng 100%. Thường giá gạo sấy thấp hơn 5-10% so với gạo trắng.
Nhu cầu gạo đồ trong năm tới sẽ tiếp tục cao vì nông dân Ấn Độ đã chuyển hướng sang trồng lúa mì có lợi nhuận xuất khẩu cao hơn, hiện giá khoảng 380 USD/tấn, tăng từ 200USD/tấn trong nhiều năm qua. Nhờ đó, xuất khẩu gạo đồ của Thái Lan có thể đạt 3 triệu tấn vào năm 2008.
Xuất khẩu gạo đồ tăng có thể giúp tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái đạt 8,5 triệu tấn trong năm nay và 9 triệu tấn vào năm tới.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu lo ngại rằng nguồn cung gạo trắng (gạo để chế biến ra gạo đồ) sẽ thiếu.
Ông Chookiat, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết sản lượng gạo trắng sẽ giảm vì nông dân đã chuyển hướng sang trồng các loại gạo khác như gạo nếp.
Sản lượng gạo nếp Thái Lan trong năm tới dự kiến sẽ đạt 7,5 triệu tấn, tăng 25% so với năm nay. Gạo nếp có giá xuất khẩu cao, khoảng 600 USD/tấn và mức giá trung bình tại thị trường trong nước là 12.000baht/tấn.
Tuy nhiên, nguồn cung gạo nếp tăng khiến ông Chookiat lo ngại vì thị trường xuất khẩu loại gạo này còn khá nhỏ, chỉ ở mức không quá 200.000 tấn/năm.