Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu đường tăng
12 | 05 | 2010
Năm 2010, lượng mía ép công nghiệp chỉ đáp ứng 61,2% công suất thiết kế của các nhà máy đường trong nước.

Tuy nguyên liệu đầu vào thiếu song rất ít doanh nghiệp mía đường có sự đầu tư cho các vùng nguyên liệu và người trồng mía, dẫn tới nguy cơ thu hẹp vùng nguyên liệu. Tại Hội nghị tổng kết ngành mía đường vụ 2009 – 2010 diễn ra vào sáng qua 11/5, ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn nhất của các nhà máy đường hiện nay vẫn là nguyên liệu.

60% giống mía cũ

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, năm 2009 - 2010, diện tích mía nguyên liệu trên cả nước chỉ đạt 242.413ha, giảm 5.300ha so với năm trước. Năng suất mía bình quân toàn quốc đạt 51,7% (trong khi năng suất mía trung bình những năm gần đây đạt 60 tấn/ha). Sản lượng mía ép đạt hơn 9,7 triệu tấn, nên các nhà máy đường chỉ sử dụng được 61,2% công suất thiết kế.

Có tình trạng này là do 60% diện tích trồng mía nguyên liệu trong cả nước vẫn là các giống mía cũ nên tỷ lệ tiêu hao mía trong sản xuất cao (10,78 mía/1 đường, trong khi Thái Lan, Trung Quốc tỷ lệ này chỉ khoảng 8 mía/đường). Người trồng mía sử dụng giống cũ còn bởi đa số các doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác giống cây trồng. Việc chuyển giao giống mới chưa thực sự được quan tâm đúng mức; điều này đã dẫn đến tình trạng hàng trăm tấn giống mía tốt đã phải chuyển thành mía thương phẩm, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, hợp đồng giữa nhà máy và người trồng mía chủ yếu là hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên chưa gắn kết chặt chẽ người sản xuất với nhà máy. Ông Phan Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng mía chủ lực, chiếm gần ½ diện tích và sản lượng mía cả nước. Đây là vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng cũng là khu vực có các giống mía cũ còn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cả nước.

Không chỉ có vậy một nguyên nhân khiến người dân không trồng giống mới là bởi tình trạng nhiều doanh nghiệp mía đường không thu mua mía theo chất lượng sản phẩm mà mua xô nên không khuyến khích đượcđược người trồng mía thay đổi giống mới. Vẫn còn tình trạng các nhà máy vì chạy theo lợi nhuận trước mắt nên đua nhau vào vụ ép sớm khi mía còn non nên tỷ lệ tiêu hao mía nguyên liệu cao. Theo ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng đường công nghiệp vụ này chỉ đạt hơn 900.000 tấn, cộng cả số lượng đường luân chuyển vụ trước chuyển sang (gần 80.000 tấn) vẫn chưa đạt 1 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì đến hết tháng 4/2010, nước ta đã có 350.000 tấn đường nhập khẩu được cấp quota, chưa kể một khối lượng đường không nhỏ nhập lậu tràn vào.

Cần nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu

Dự kiến trong niên vụ mía đường 2010 – 2011, diện tích trông mía cả nước đạt 255.000ha, tăng hơn 8.172ha (3,4%) so với vụ trước. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt: Đây không phải là vấn đề quan trọng nhất quyết định đến việc ngành mía đường có đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước hay không. Vấn đề cốt lõi là phải tăng năng suất chất lượng mía, từ đó giảm tỷ lệ tiêu hao mía trong sản xuất.

Để làm được điều này, các công ty mía đường cần tổ chức hướng dẫn người trồng mía tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh nâng cao năng suất để cây mía có đủ khả năng cạnh tranh được với các cây trồng khác. Các đơn vị chế biến đường cần xác định vùng nguyên liệu có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của doanh nghiệp để chia sẻ với người trồng mía thông qua giá mua nguyên liệu hợp lý và có chính sách đầu tư phù hợp. Cũng theo Cục Trồng trọt, dự kiến đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 300.000ha mía nguyên liệu với năng suất trung bình 65 tấn/ha; sản lượng mía khoảng 17,2 triệu tấn, sản xuất khoảng 1,75 triệu tấn đường, đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước.

Giải pháp cho việc phát triển vùng nguyên liệu thời gian tới, theo ông Thông, các địa phương và doanh nghiệp phải phát triển diện tích mía theo quy hoạch. Hiện, theo Quyết định 26/2007/QĐ-TTg, tổng diện tích trồng mía của các địa phương đã được quy hoạch trên cả nước là 275.746ha, nhưng kế hoạch phát triển của các công ty đường cũng như các tỉnh mới chỉ đạt trên 90%. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các công ty đường chủ trì tổ chức và chủ động đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đúng như diện tích đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh mía, tăng cường chất lượng cơ giới hóa trong khâu làm đất, sử dụng các giống (chín sớm, chín muộn) và bố trí thời vụ trồng thích hợp theo hướng rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho cả vụ. Vấn đề quan trọng nữa là tăng cường sử dụng giống mới. Hiện ngành nông nghiệp đang có rất nhiều giống mới có triển vọng được du nhập từ nước ngoài cũng như chọn tạo trong nước như MEX 105, K88-65, VN84-1427... có năng suất và hàm lượng đường cao, đã được sản xuất thử ở các công ty đường Lam Sơn, Quảng Ngãi.

Ngoài ra, để có bước đột phá cho ngành mía đường, cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với những chính sách khuyến khích đồng bộ tích cực đối với ngành mía đường nói chung và người trồng mía nói riêng.



Theo www.ktdt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường