Thưa ông, ông có thể giới thiệu những nét chung nhất về công ty mía đường Lam Sơn?
Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn. Ngày 12 tháng 01 năm 1980: Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định số 24/TTg phê duyệt nhiệm vụ thiết kế xây dựng Nhà máy đường Lam Sơn. Công suất 1.500 tấn mía/ngày, thiết bị và công nghệ của hãng FCB Cộng hòa Pháp cung cấp. Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, phủ xanh đất trống đồi trọc và lực lượng lao động ở khu vực miền Tây Thanh Hóa, giải quyết tình trạng thiếu đường trong cả nước. Địa điểm xây dựng tại xã Thọ Xương (nay là Thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Một cánh đồng mía nguyên liệu của Công ty Mía đường Lam Sơn
|
Hướng phát triển chính của mía đường Lam Sơn trong thời gian tới là gì ạ?
LASUCO đang hướng tới hình thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và nghành nghề kinh doanh. Các sản phẩm chính là mía, đường, cồn, điện. Cán bộ công nhân viên Lasuco luôn phấn đấu không ngừng để phát huy vị trí là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành mía đường Việt Nam.
Thưa ông, được biết công ty mía đường Lam Sơn có vùng nguyên liệu mía rất ổn định. Điều này chắc hẳn được hình thành từ mối liên kết chặt chẽ giữangười nông dân và công ty. Ông có thể nói rõ hơn về các chính sách ưu tiên hỗ trợ người nông dân của LASUCO?
Mía đường Lam Sơn có truyền thống gắn bó lâu dài với người nông dân từ mấy chục năm nay. Mối liên kết với người nông dân không chỉ là một lần, không phải trong một thời gian ngắn, theo kiểu mua đứt bán đoạn. Vào đầu vụ, nhà máy và nông dân định giá theo một cơ chế hợp lý, còn sau khi bán đường, nếu giá đường cao hơn mức định giá ban đầu thì nhà máy phải chi sẻ lợi nhuận với người nông dân. Tuy nhiên, nếu ban đầu định giá cao mà lúc bán ra giá đường lại thấp thì phần lỗ đó công ty phải chịu.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP mía đường Lam Sơn
|
Hệ thống phân phối của LASUCO với thị trường trong nước hiện nay như thế nào, thưa ông?
Mía đường Lam Sơn đã xây dựng một hệ thống bán hàng tương đối ổn định. Vì chất lượng sản phẩm đảm bảo nên những hãng có tên tuổi đều mua đường của công ty. Với những công ty lớn, khi muốn mua hàng của bên nào, họ đều phải đi điều tra, kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng từ cả năm trước. Thêm nữa, khi ký hợp đồng mua thì bên mua và bên bán không phải là bán theo giá thị trường . Nếu như sau này thị trường thay đổi giá trên mức 10% so với thời điểm ký hợp đồng thì lúc bấy giờ 2 bên mới ngồi tính lại. Nếu thấp hơn 10% thì có thể chấp nhận được. Duy trì quan hệ này là điều không dế dàng, vì nó ảnh hưởng đến uy tín của cả 2 bên. Lasuco đã và đang xây dựng một hệ thống phân phối rất ổn định.
Được biết, Lasuco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành mía đường Việt Nam triển khai và áp dụng “Hệ thống Công nghệ cao tưới nước nhỏ giọt cho cây mía”. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của dự án này?
Dự án này được triển khai với mục tiêu mía nguyên liệu đạt năng suất 150 tấn/ ha trở lên, chất lượng đạt chữ đường 12 CCS và trồng một vụ sau đó 5 đến 6 năm mới phải trồng lại. Năm 2008 (vụ mía 2008 – 2009) LASUCO đã cho triển khai thí điểm thực hiện 100 ha, tại 3 cơ sở đó là: Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng, Nông trường Thống Nhất và Nông trường Sông Âm. Các đơn vị đã sơ kết theo định kỳ và đánh giá khẳng định dự án cơ bản đạt được nhiều thắng lợi: Chi phí nhân công và chi phí phân bón tiết kiệm được 20- 30 %, ruộng mía dự án sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh vượt trội so với ruộng mía đại trà.
Cảm ơn ông! Hi vọng rằng việc thực hiện thành công dự án này sẽ tạo đà thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là giải quyết được vấn đề về nguyên liệu đầu vào, góp phần vào sự lớn mạnh không ngừng của công ty.
AGROINFO