Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
TP. Hồ Chí Minh: Siêu thị nhốn nháo “sốt ảo” đường
07 | 12 | 2010
Nhiều ngày qua, tại siêu thị Big C và Co.op Mart ở TP. Hồ Chí Minh luôn luôn xảy ra tình trạng nhốn nháo do mặt hàng đường bị “sốt ảo”.

Đơn cử, khoảng 18 giờ ngày 4-12-2010 trên kệ đường của Big C Tô Hiến Thành (quận 10) đã trống rỗng. Thắc mắc về việc hết mặt hàng đường, nhân viên tiếp thị và bán hàng của Big C khẳng định: “Sáng mai chừng 8 giờ đến 10 giờ sẽ có.


Trường hợp chậm chân sẽ hết!”. Được biết, trong thời gian “sốt” mặt hàng đường vừa qua, hầu hết hệ thống siêu thị và các điểm bán bình ổn đều quy định một ngày một người chỉ được mua 2 kg. Tuy nhiên, những ngày gần đây, hệ thống Big C và các điểm bán hàng bình ổn của FoocoMart quy định lại, một người mua 1kg đường/ngày.


Trao đổi với chúng tôi về tình hình trên, đại diện hệ thống siêu thị Big C cho rằng: “Đường nằm trong nhóm 10 mặt hàng bình ổn giá, vì vậy giá đường tại Big C luôn thấp hơn thị trường (đường Thành Thành Công 17.900đ/kg) nên được người tiêu dùng lựa chọn rất nhiều. Big C vẫn nhập hàng về hàng tuần, đợt vừa qua khách hàng mua nhiều nên hết số hàng nhập đã nhập. Big C đang đợi đợt giao hàng mới của nhà cung cấp. Ngoài ra, không có tình trạng bán hàng cầm chừng”.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op Mart khẳng định, vẫn còn tình trạng các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vào siêu thị “gom” đường bình ổn để hưởng chênh lệch từ 5.000-6.000 đồng/kg đường. Trước đó, trong chương trình “Nói và làm” ngày 5-12 của HĐND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Co.opMarrt cũng cho rằng, việc siêu thị phải khống chế số lượng đường và dầu ăn bán ra cho mỗi khách hàng trong thời gian qua không phải là biểu hiện của việc thiếu nguồn cung cấp.


Thay vào đó, mục đích của việc này chỉ nhằm tránh tình trạng thu gom, găm hàng của đối tượng đầu cơ. Ông Trần Sỹ Duy, nhân viên phụ trách chương trình bình ổn của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thành Thành Công cho rằng, Công ty đã cung cấp đúng và đủ số lượng đường như đã cam kết với chương trình. Tuy nhiên, khâu kiểm soát gặp khó khăn nên không thể ngăn chặn tình trạng “đầu cơ” đường của các tiểu thương. Theo ông Duy, biện pháp duy nhất của Công ty hiện nay để ngăn chặn tình trạng “sốt ảo” và “đầu cơ” đường là phải giải thích rõ cho người tiêu dùng biết.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chương trình bình ổn giá rất dễ làm cho hàng hóa thị trường bị “sốt ảo” tạo điều kiện đối tượng mua bán nhỏ lẻ lợi dụng “thu gom” hàng bình ổn đem ra ngoài bán để hưởng chênh lệch.



Theo Đại đoàn kết
Báo cáo phân tích thị trường