Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để "rau an toàn" không là mầm hoạ (Bài 2): Khập khiễng trong quản lý
04 | 02 | 2008
- Ý thức của người sản xuất chưa cao, công tác quản lý còn nhiều bất cập,... là những nguyên nhân khiến chương trình sản xuất rau an toàn (RAT) dù đã được khởi động, hô hào từ lâu nhưng dường như vẫn “dậm chân tại chỗ".

Mạnh ai nấy bán

Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết: Mỗi ngày thành phố tiêu thụ trên dưới 100 tấn rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% số này đăng ký là hàng an toàn, được bán rải rác ở các cửa hàng và hệ thống siêu thị. Nhưng không ai dám chắc những sản phẩm được dán mác “an toàn” có thực sự “an toàn”. Bởi hầu như lần kiểm tra nào các ngành chức năng cũng phát hiện sai phạm. Mới đây, qua kiểm tra 44/66 cơ sở, cửa hàng được Sở Thương mại Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, lực lượng quản lý thị trường phát hiện 10 điểm không còn hoạt động. Còn lại các điểm đều vi phạm quy định về kinh doanh RAT như: nguồn gốc rau không rõ ràng, số lượng rau không tương ứng với phiếu giao nhận, thiếu giấy chứng nhận RAT...
Thành phố Hà Nội hiện có 43 siêu thị, 3 trung tâm thương mại kinh doanh mặt hàng rau, quả các loại. Phần lớn các siêu thị bán rau, củ, quả tươi thông qua một đầu mối cung cấp. Đầu mối này có trách nhiệm xuất trình các loại giấy tờ đảm bảo về chất lượng hàng hoá. Nếu có sai phạm xảy ra, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm. Siêu thị chỉ quản lý, kiểm tra giấy tờ đảm bảo chất lượng mặt hàng mà nhà cung cấp đem tới. Trên thực tế, dù có bị phát hiện sai phạm, siêu thị cũng chỉ bị phạt 0,5 -1,2 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức phạt này, các siêu thị chỉ cần “vẩy tay” một cái là xong, sẵn sàng nộp phạt để được kinh doanh bởi lợi nhuận mang lại lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng tự gắn cho mình nhãn hiệu “an toàn” mà không hề có sự quản lý của cơ quan chức năng về chất lượng. Cũng theo ông Phú: “Sản xuất RAT phải đầu tư cao, năng suất lại thấp hơn so với sản xuất rau thường nên giá cao hơn rau thường (gấp 4 lần). Nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít cơ sở sản xuất và kinh doanh đã vi phạm quy trình sản xuất, đánh lừa người tiêu dùng. Kết quả là chỉ có người mua thiệt, hoài nghi, hoang mang không biết tin vào đâu".
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn về rau an toàn và sẵn sàng trả giá cao hơn để có sản phẩm này nhưng họ băn khoăn bởi không thể phân biệt đâu là sạch, đâu là bẩn nên đành "tặc lưỡi". Theo bà Nguyễn Hoa, cán bộ Bộ Y tế: “Nguyên nhân chính là do ý thức tự giác của người sản xuất lẫn tiêu dùng chưa cao. Người bán coi thường chất lượng hàng hoá, chủ yếu chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đúng mức đến sức khỏe của khách hàng. Người tiêu dùng chỉ vì “tặc lưỡi” cho qua đã gián tiếp khiến tình hình kinh doanh mặt hàng thực phẩm nói chung, RAT nói riêng ngày càng bát nháo”.

Chế tài chưa hợp lý

Một cán bộ ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh bức xúc khi nói về những hạn chế của công tác quản lý hiện nay: “Chức năng của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố là cấp phép cho những đơn vị trồng RAT. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể làm được việc xây dựng vùng RAT chứ chưa loại bỏ những vùng rau không an toàn. Trên thực tế, hiện chưa có quy định hoặc văn bản nào cấm trồng rau không an toàn. Điều đáng nói là từ năm 2002, qua các đợt kiểm tra môi trường, Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã kiến nghị cấm sản xuất đối với 215ha rau không an toàn (phần lớn là vùng rau thủy sinh ở hai quận Thủ Đức và 12) nhưng 5 năm trôi qua, chỉ một số ít hộ ở quận 12 chịu di dời lên Củ Chi, phần lớn vẫn bám trụ, thậm chí còn mở rộng diện tích rau bẩn và bán một cách thoải mái, vô tư!”.
PGS – TS. Trần Khắc Thi (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương) cho rằng: “Hiện hầu hết các vùng sản xuất rau của ta vẫn còn manh mún nên khó có thể canh tác theo hướng hiện đại, an toàn. Theo tôi, có 4 nguyên nhân cơ bản làm cho nông sản nói chung và rau nói riêng bị ô nhiễm: dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật do dùng thuốc không theo khuyến cáo, hàm lượng nitơrát (NO3) quá cao do bón quá nhiều phân đạm; tồn dư kim loại nặng (chì, asen, thủy ngân...) và tập quán sử dụng phân, nước phân tươi. Trong các nguyên nhân trên thì ô nhiễm do dư lượng NO3 là nguy hiểm và khó kiểm soát nhất”.
Nguyên nhân không kém phần quan trọng khác khiến RAT chưa thực sự an toàn là do trình độ chuyên môn của một số cán bộ quản lý, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất. Mặc dù công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng tình trạng sử dụng thuốc ngoài danh mục, không đảm bảo thời gian cách ly... vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Mặt khác, công tác quản lý sản xuất RAT ở các địa phương chưa thực sự chặt chẽ, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất RAT còn thiếu và yếu. Cơ chế chính sách cho sản xuất RAT chưa hoàn thiện nên chưa khuyến khích được nông dân tham gia. Công tác quản lý kinh doanh RAT của ngành thương mại còn lỏng lẻo, chưa làm tốt công tác hậu kiểm. Chung quy là do các "nhà" chưa có tiếng nói chung, vẫn mạnh ai nấy làm.

Bài học từ nước bạn: Sai lầm trong chính sách

Việc nông dân lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, không sử dụng quần áo bảo hộ trong sản xuất rau quả đang dấy lên mối lo ngại lớn cho Chính phủ Trung Quốc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo các nhà chuyên môn, việc phun hoá chất lên cây trồng không phù hợp hoặc sử dụng những sản phẩm giả mạo thuộc diện cấm gây nên nhiều nguy cơ về sức khoẻ cho hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc và dẫn tới tình trạng tồn dư hoá chất trong rau quả quá cao.
Theo Angus Lam, người đứng đầu chiến dịch Hoà bình xanh về thực phẩm và nông nghiệp ở thành phố Quảng Châu, Chính phủ Trung Quốc cần ngăn chặn ngay những loại thuốc trừ sâu trái phép hoặc thuộc diện cấm. Được biết, Trung Quốc đã cấm 5 loại thuốc trừ sâu có độc tính cao, nhưng hàng cũ trong kho vẫn tuồn ra thị trường và đến tay nông dân.
Một số chuyên gia cho rằng, những chính sách gần đây của Chính phủ Trung Quốc như giảm giá thuốc trừ sâu là sai lầm. Theo George Fuller, Giám đốc điều hành CropLife Asia - một liên đoàn đại diện cho các nhà sản xuất, nhiều chính phủ cho rằng họ đang hành động có lợi cho nông dân bằng cách đưa ra chính sách giảm giá cho những sản phẩm này. Nhưng hậu quả không lường trước được là nông dân sẽ sử dụng một cách vô tội vạ nếu không có sự kiểm soát nghiêm ngặt.
Không chỉ có những hoá chất bị cấm, theo Fuller, ước tính có khoảng 20% thuốc trừ sâu bán ở Trung Quốc là thuốc giả. Sản phẩm giả mạo lại được che giấu dưới một hình thức rất tinh vi, rất khó cho một nông dân biết mình đang mua phải hàng "dởm".
Đối với mặt hàng thuốc trừ sâu, Chính phủ Trung Quốc quy định Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm về sử dụng; Bộ Kế hoạch, Bộ Thương mại cấp giấy phép sản xuất; Bộ Y tế quy định hàm lượng tồn dư tối đa và Cục quản lý môi trường giám sát những ảnh hưởng đối với môi trường. Quy định chặt chẽ là thế nhưng vẫn “không lại” được với các nhà sản xuất bởi phần lớn họ sản xuất theo quy mô nhỏ, những người bán lẻ đôi khi di chuyển như người bán rong nên việc giám sát rất khó.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải có những hành động cụ thể, quyết liệt trong việc ngăn chặn sản xuất rau bẩn; đồng thời phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và cơ chế giám sát chặt chẽ đối với những vùng được quy hoạch sản xuất RAT. Không nên chỉ dừng lại ở việc kêu gọi ý thức, bởi nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc thì người ta vẫn sẵn sàng nộp phạt rồi “ngựa quen đường cũ”...

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có quy hoạch cho chương trình sản xuất RAT, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong cuộc họp giao ban mới đây, đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT 6 tỉnh (Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng), những nơi cung cấp trên 60% rau cho thị trường Hà Nội, đều thừa nhận, khó có thể kiểm soát được toàn bộ chất lượng rau tại địa phương. Qua 3 năm triển khai trồng RAT, 6 tỉnh này mới mở rộng được khoảng 16.000ha, cung cấp 288.000 tấn, chỉ đạt 8,4% về diện tích và 7,4% về số lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân không mặn mà với việc trồng RAT vì chi phí cao, lợi nhuận thấp và hàng trăm yêu cầu khắt khe khác về chất lượng.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường