Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để "rau an toàn" không là mầm hoạ- Bài 1: Thực tế từ những cánh đồng
01 | 02 | 2008
- Dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng là những vụ ngộ độc do ăn phải thực phẩm kém chất lượng hoặc rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). Trong khi đó, mỗi năm Nhà nước đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các vùng rau an toàn (RAT) nhưng dường như các ngành chức năng vẫn chưa thể kiểm soát hoặc chỉ có thể đưa ra những giải pháp tình thế. Xem ra, để RAT đến được với người tiêu dùng vẫn là bài toán khó giải.

Thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng cũng như thói quen canh tác, ý thức của người sản xuất là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bát nháo trên thị trường rau hiện nay. Vấn đề đặt ra là, trong khi số vụ ngộ độc tăng theo cấp số nhân thì người sản xuất vẫn vô tư trồng rau theo cách mà... nghe đã sợ.

Chỉ nghe đã sợ

Theo chân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát kiểm tra tại một số vùng sản xuất rau của Hà Nội trong chiến dịch kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn nông sản trên toàn quốc hồi đầu tháng 10, kết quả khiến nhiều người phải giật mình. Ngay trên đất Thủ đô vẫn còn nhiều vùng không đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn tối thiểu. Vùng trồng rau thuộc xã Duyên Hà (Thanh Trì) đã được quy hoạch sản xuất RAT nhưng người dân vẫn trồng theo kinh nghiệm là chính, khái niệm về RAT rất mù mờ. Khi được hỏi, chị Chu Thị Loan ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà thật thà: “ở đây mạnh ai nấy làm, tự mày mò trồng là chính, chẳng có ai hướng dẫn. Nếu rau bị sâu, cứ thuốc rẻ mà phun!”. Xã Duyên Hà có 50ha rau, nhưng chỉ có 5 cán bộ kỹ thuật, việc kiểm tra chất lượng gần như bị thả nổi nói gì đến hướng dẫn trồng.

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam:
Không nên mua các loại rau bóng mượt...
Khi ăn phải các loại rau củ quả có hóa chất Monitor (Monitor là tên thương mại của loại thuốc trừ sâu có tên gọi Metamidophos), người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng tức ngực, khó thở, chảy nước mũi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, cảm giác thấy rất yếu, sợ sệt, lo lắng. Nếu ăn thường xuyên, lâu dài loại rau củ quả có chất độc hại sẽ bị ngộ độc mạn tính, gây ung thư thần kinh, hư các cơ quan nội tạng, giảm trí nhớ, đau đầu thường xuyên, đau thần kinh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể... Loại thuốc trừ sâu này đã bị cấm sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ năm 2000.


Trước khi sử dụng rau - củ - quả nên rửa sạch thật kỹ ba lần dưới vòi nước đang chảy, sau đó ngâm rau trong nước thêm 15 phút. Không nên mua các loại rau bóng mượt vì đó là rau có hóa chất kích thích tăng trưởng. Nên mua rau củ quả ở nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng.
Trong đợt kiểm tra mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng đã phát hiện tại các chợ Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, 19/12, cửa hàng B16 Kim Liên..., nhiều điểm kinh doanh RAT chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Thương mại Hà Nội cấp. Hiện, thành phố có 112/117 xã, phường sản xuất rau với tổng diện tích gần 8.000ha, sản lượng 150.000 tấn /năm (trong đó 38% là RAT), chỉ đủ cung cấp cho 40% nhu cầu của người dân.
Trong số 478 vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố, có đến 108 vùng không đạt các tiêu chuẩn an toàn về đất hoặc nước (và đều có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép), trong đó 31 vùng không đạt tiêu chuẩn về đất, 72 vùng không đạt về nước tưới và 5 vùng không đạt cả hai điều kiện trên. Đặc biệt, có ba mẫu nước ở Đông Anh và Thanh Trì phát hiện nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là “thánh địa” của rau như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận 12,... cũng đang trong tình trạng báo động đỏ về rau còn dư lượng kim loại nặng do hoá chất thải ra từ các khu công nghiệp. Hàm lượng kẽm trong mẫu rau muống ở Bình Chánh cao hơn mức cho phép 30 lần; ao rau rút ở phường Thạnh Xuân (quận 12) có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép 35 lần; sen ở Đông Thạnh (Hóc Môn) có hàm lượng chì cao gấp 14 lần mức cho phép...
Một nông dân ở xã Thới Tam Thôn, (huyện Hóc Môn) cho biết bí quyết trồng rau: “Muốn cho rau xanh tốt, chồi non tươi mơn mởn,... một vườn rau khoảng 1.000 m2 "ngốn" không dưới 15 loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng hoặc chỉ cần dùng 1 tấn phân gà trộn trấu cùng phân hữu cơ; 1 gói thuốc Regent trị quăn lá, 1 gói Trigard 100 chống sâu, 2 gói Mexyl MZ 72 trị lá vàng úa, 1 chai Bavistin đặc trị úng lá, 2 chai Selecron và Netoxin diệt bọ nhảy, sâu róm, sâu đo,...". Người bình thường, chỉ nghe thôi đã sợ... rau.

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: SOS

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng nhưng thực tế tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu đã bị cấm vẫn diễn ra tràn lan. Việc sử dụng không đúng hướng dẫn, không giữ đúng thời gian cách ly, lạm dụng thuốc BVTV vẫn là vấn đề nan giải. Hậu quả nhãn tiền là rất nhiều nông sản, thực phẩm, đặc biệt là rau có dư lượng thuốc BVTV luôn vượt mức cho phép.
Theo TS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), các vụ ngộ độc vì hoá chất từ thuốc trừ sâu đang có xu hướng tăng.Trong nhóm thuốc trừ sâu có nhiều nhóm nhỏ như nhóm lân hữu cơ (Paration, Malation, Diazion,...) dễ phân giải trên đất và cây trồng, gây ngộ độc rất mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Khi đã vào cơ thể, các chất độc này tạo ra những chất độc hơn nhiều (như Paration vào cơ thể sẽ oxy hoá thành Paraxon có tính độc gấp 1.000 lần). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các vụ ngộ độc ngày càng gia tăng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 116 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó 15 vụ ngộ độc hàng loạt với 3.020 nạn nhân, làm chết 25 người. Phân tích nguyên nhân cho thấy, có 45 vụ do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, 4 vụ do dư lượng hóa chất BVTV, 34 vụ do độc tố tự nhiên và hơn 30 vụ không rõ nguyên nhân.
Bác L.V.Y. ở Thanh Xuân (Hà Nội), người từng bị ngộ độc do ăn dưa chuột, kể: "Hôm đó, tôi có ăn rau sống và vài lát dưa chuột. Sau đó bị đi ngoài liên tục, sức khoẻ yếu dần, ăn vào là nôn ra, phải vào cấp cứu ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội). Bây giờ, muốn ăn rau, tôi phải vào siêu thị. Thế nhưng, thời gian gần đây, nghe báo đài phản ánh rau bán trong siêu thị cũng không đảm bảo an toàn nên tôi cứ lo nơm nớp sau mỗi bữa ăn”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.800 ca ngộ độc các loại, trong đó 1/3 là ngộ độc thực phẩm do hoá chất gây ra. Bệnh nhân bị ngộ độc hoá chất sau khi điều trị khỏi dễ bị trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hoá, mất trí nhớ... Nếu là hoá chất nặng, còn có thể bị viêm cơ, viêm dây thần kinh. Nếu những hoá chất này ngấm vào cơ thể trong thời gian dài có thể gây ung thư gan, đau tuỷ, bướu ác tính ở da, ung thư dạ dày...

Một số điều kiện sản xuất rau an toàn
* Theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trồng RAT phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
Đất trồng: Cao ráo, thoát nước tốt, có tầng canh tác dày (20-30cm). Không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, khu dân cư đông đúc; không nhiễm các hoá chất độc hại.
Nước tưới: Chỉ dùng nước giếng khoan, không dùng nước thải từ khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, ao tù nước đọng.
Phân bón: Chỉ sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, rơm rạ mục,...) đã ủ hoai mục. Sử dụng hợp lý và cân đối các loại phân hoá học.
Thuốc BVTV: Không sử dụng thuốc trong danh mục cấm.
* Sản xuất RAT theo tiêu chuẩn GAP
Đất trồng: Cao ráo, thoát nước tốt, cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp nặng và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt của thành phố ít nhất 200m; không có tồn dư hóa chất độc hại.
Nước tưới: Vì trong rau xanh nước chứa trên 90% nên việc tưới nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Nếu không có nước giếng cần dùng nước sông, ao, hồ không bị ô nhiễm.
Giống: Chỉ gieo những hạt giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không có mầm bệnh. Phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất hạt giống. Hạt giống nhập nội phải qua kiểm dịch thực vật.
Thuốc BVTV: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc I và II, khi thật cần thiết có thể sử dụng nhóm III và IV. Nên chọn loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc hại với ký sinh thiên địch. Kết thúc phun thuốc hóa học trước khi thu hoạch ít nhất 5 - 10 ngày. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học.
Thu hoạch, đóng gói: Rau được thu hoạch đúng độ chín, loại bỏ lá già, héo, quả bị sâu, dị dạng. Rau được rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo cho vào bao, túi sạch trước khi tiêu thụ. Trên bao bì phải có phiếu bảo hành ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường