PV: Thời gian gần đây thị trường rau xanh có những diễn biến thất thường, ông đánh giá thế nào về điều này?
Trả lời: Tính từ đợt mưa lũ ngày 31-10 đến 3-11, thị trường rau xanh liên tục trồi sụt khiến người trồng rau vẫn bị động và chịu nhiều thiệt hại. Có rất nhiều nguyên nhân tạo ra sự bất ổn trên thị trường rau xanh thời gian qua. Nó có thể đến từ những tác động của thị trường hay do thiếu quy hoạch các vùng chuyên canh cây ngắn ngày nói chung và cây rau nói riêng.
PV: Theo ông, cụ thể, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu ổn định của thị trường rau xanh thời gian qua là gì?
Trả lời: Thứ nhất, rủi ro từ khí hậu, thời tiết. Những năm có nhiều thiên tai nó sẽ có những tác động lớn đến giá rau. Đợt mưa to đột ngột từ ngày 31-10 đến 1-11-2008, đã nhấn chìm 135 nghìn ha rau xanh của đồng bằng sông Hồng. Đương nhiên, toàn bộ sản lượng rau của Hà Nội là không còn. Sự khan hiếm lượng cung, giá rau tăng cao là điều tất yếu.
Người sản xuất, tâm lý là phải sản xuất ngay rau ngắn ngày để vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ, vừa muốn bù đắp ngay khoản thua lỗ trong đợt lụt vừa rồi. Muốn được như vậy phải trồng loại rau ngắn ngày - rau ăn lá để trong 30 ngày, thậm chí sau 15 ngày có rau bán ngay.Với tâm lý của người sản xuất như vậy, tất cả hàng chục nghìn ha đất ở đồng bằng sông Hồng, khoảng 3 nghìn 500 ha đất hoa màu của Hà Nội đồng loạt trồng rau ăn lá và cùng cho thu hoạch trong một thời điểm. Lúc này lượng rau quá nhiều dẫn đến giá bị kéo xuống thấp. Mà chỉ ế một loại rau đó - rau ăn lá. Còn các loại rau ăn củ, quả, chúng ta vẫn phải nhập su hào, cà chua… lại có giá cao hơn.
Thứ hai: Yếu tố thị trường. Khi loại rau này thiếu, sản lượng ít, sẽ bán được giá cao; loại rau kia thừa, sản lượng nhiều, giá bán sẽ bị giảm. Người tiêu dùng, trong thời điểm đó thì không thể ngày nào cũng ăn một loại rau được. Cơ cấu rau ăn phải rất đa dạng, ăn củ - quả - lá, do nhu cầu của thị trường cần nhiều loại rau, cho nên có loại thừa, có loại thiếu.
Thứ ba: Nguyên nhân sâu xa nhất là nông nghiệp nước ta vẫn chưa thoát khỏi sản xuất manh mún. Trong sản xuất rau ta thiếu những quy hoạch về các vùng chuyên canh rau. Mỗi hộ dân có 200-300 m2 đất. Người nông dân có mảnh đất hết trồng rau rồi sang trồng lúa, muốn trồng gì thì trồng nấy. Nhu cầu của thị trường như thế nào lại nắm không rõ. Điều này tạo ra mối quan hệ cung cầu khập khiễng, nếu không muốn nói là tự phát.
PV: Để ổn định thị trường rau xanh, theo ông cần có những giải pháp gì?
Trả lời: Về quy hoạch vùng chuyên canh rau chung quanh các thành phố. Ta có thể học tập mô hình của các nước với những vành đai xanh chung quanh thành phố. Ví dụ, Hà Nội sẽ hình thành vùng chuyên canh rau xanh với ba vành đai. Vành đai thứ nhất cách thành phố khoảng 5km là những cây rau ăn lá. Vành đai thứ hai là vành đai rau ăn quả với khả năng vận chuyển dài hơn chút, như bí xanh, bí đỏ, cà chua… Vành đai thứ 3 gồm rau ăn củ như cà rốt, hành tây - những loại có thể bảo quản lâu hơn. Có thể quy hoạch trồng chuyên canh loại rau này ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc…
Sau khi hình thành những vùng chuyên canh tập trung, diện tích trồng các loại rau sẽ dựa trên dân số hay số người tiêu thụ các sản phẩm, như vậy cung cầu sẽ khớp nhau từ số lượng đến chủng loại. Thị trường sẽ không còn hiện tượng lúc thiếu, lúc thừa; khi đắt, khi rẻ như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông.