Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường trái cây: “Mác ngoại, ruột nội”
23 | 03 | 2009
Nhiều loại trái cây đang được bán khá phổ biến trên thị trường với mác ngoại như: ổi Đài Loan, xoài Thái, mận Ấn Độ…nhưng thực chất là giống ngoại được trồng ngay tại VN. Hình thức lập lờ này nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của không ít người tiêu dùng và đẩy giá bán lên nhiều lần.

Tại TP.HCM, những loại trái cây trên có thể dễ dàng tìm thấy tại các siêu thị, chợ và phổ biến ở gánh hàng rong các ngã tư đường phố.

“Lên cấp” cho trái cây nội

Đặc biệt là những mặt hàng này bán khá chạy với giá không hề thấp so với sản phẩm cùng chủng loại như: ổi Đài Loan 12.000 đồng/kg, mận Ấn Độ 18.000 đồng/kg. Theo một người bán hàng rong trên đường Điện Biên Phủ, một ngày chị bán được gần 50kg ổi Đài Loan, loại ổi này nhiều thịt, không có hạt, mùi thơm nhẹ. “Nghe người bỏ mối hàng nói ổi Đài Loan nên tui cũng chỉ biết treo bảng ổi Đài Loan” - chị cho hay.

Thật ra, trên thị trường có những loại trái cây gắn liền với nơi xuất xứ như ổi Đài Loan là không hiếm. Chị Bích Hà, tiểu thương kinh doanh sạp trái cây chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), tư vấn cho khách đến mua hàng: “Trái cây bây giờ phong phú, ngon, dễ chọn lắm. Làm giỏ quà tặng thì có nho Mỹ, cam vàng Úc, táo Nhật Bản. Nếu mua ăn thì có quýt Thái, măng cụt, xoài Thái…” - chị Hà liệt kê.

Tuy nhiên, không phải trái cây gắn với tên một quốc gia nào cũng là trái cây nhập khẩu. Bà Luông, chuyên bỏ mối trái cây cho các điểm bán, cho biết phần lớn ổi Đài Loan đều được bà lấy nguồn từ Tân Quan, Bình Phước. Sở dĩ có tên này vì giống ổi được nhập từ Đài Loan. “Nhà vườn có đặt tên riêng nhưng gọi ổi Đài Loan thì bán được hàng hơn” - bà cho biết.

Tương tự, loại mận Ấn Độ nhưng lại được trồng ở các tỉnh miền Tây. Những loại trái cây này được trồng từ giống ngoại nên gắn tên quốc gia. Tuy nhiên khi bán ra thị trường, sự lập lờ về nguồn gốc khiến giá các loại trái cây tăng cao chót vót.

Theo bà Võ Mai - phó chủ tịch Hiệp hội Làm vườn VN, hiện VN nhập một vài giống như chôm chôm Thái, sầu riêng Thái, ổi Đài Loan, bòn bon Thái… về trồng và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, khi ra thị trường các loại trái cây này đều rất ít được thừa nhận là trái cây nội. Điều này một phần do tâm lý tiêu dùng người Việt vốn sính hàng ngoại. “Đôi khi chỉ vì có người hỏi sầu riêng Thái thì lập tức người bán treo biển “sầu riêng Thái” để bán cho đắt khách, được giá. Thực tế buôn bán tự do trên thị trường nên không ai truy cứu về nguồn gốc trái cây ở đâu, trong khi loại sầu riêng đó có thể được trồng ở Bình Dương, Bình Phước...” - bà Mai nói.

Nhiều loại trái cây nội ngon nhưng không bán được một phần vì tâm lý này. Chẳng hạn như xoài cát ngọt, giòn giá chỉ 18.000-23.000 đồng/kg, trong khi xoài Thái Lan bở, vị nhạt lại được bán đến 35.000 đồng/kg.

Trái cây nội - ngoại: loại nào an toàn hơn?

Bà Thanh Hà, phó giám đốc chợ Tam Bình, cho biết trong 1.450 tấn trái cây về chợ mỗi đêm, trái cây ngoại chiếm ổn định 30%, phần lớn là trái cây Trung Quốc, Thái Lan… Điều đặc biệt là hàng về quanh năm, vào mùa thì rộ hàng, giá rất rẻ nên người tiêu dùng quen thuộc. Tuy nhiên, không hẳn chất lượng sản phẩm những loại hàng này bảo đảm như nhau.

Ví dụ măng cụt Thái Lan nếu mua đúng mùa sẽ mềm, ngọt nhưng măng cụt dự trữ cuối mùa rất cứng và chai, không thể ăn được. Người tiêu dùng khi chọn nếu bóp ngoài vỏ thấy cứng, chai thì không nên mua. Tương tự, với các loại nho Mỹ, nho New Zealand không nên mua trái nho cuống khô dù được giảm giá vì hàm lượng vitamin không còn.

Trong khi đó, thị trường trái cây nội nhiều loại như bưởi Năm Roi 6.500-7.500 đồng/kg, bưởi da xanh, cam mật 5.000-6.000 đồng/kg, cam sành, xoài... hiện đang bán rất chạy do chất lượng hơn hẳn trái cây ngoại.

Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, người tiêu dùng phải tự bảo vệ sức khỏe của mình trong cách chọn thực phẩm vì không thể tự phân biệt trái cây có dư lượng hóa chất hay không bằng mắt thường. Chính vì vậy, ông Tiến đề nghị người tiêu dùng nên mua trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quầy sạp có chứng nhận của Sở Y tế như chợ đầu mối, chợ cấp 1. Những trái cây ngoại xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile đều đạt tiêu chuẩn quốc tế nên có thể tin cậy được.

Khi sử dụng, đối với một số trái cây không gọt vỏ, nên ngâm vào nước sạch chừng 15 phút trước khi ăn, hoặc ngâm nước muối, dùng nước rửa rau quả hoặc rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt dư lượng hóa chất tồn đọng.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường