Nguyên nhân là các nhà máy đường ngưng cung cấp đường để ghim hàng làm giá.
Theo ông Hùng, giao dịch ngành đường tối thiểu phải từ 500 tấn/ngày trở lên, nhưng thời gian qua lượng giao dịch qua sàn chỉ chỉ trên 20 tấn/ngày nên sàn phải tạm ngưng hoạt động.
Nguyên nhân theo ông Hùng, các nhà máy đường lợi dụng thời điểm nhu cầu lên cao và đường nhập không chính thức từ Thái Lan chưa về nhiều đã ghim hàng nhằm đẩy giá lên cao.
Hiện nay khi truy cập website sẽ chỉ còn thấy 1 mặt hàng là sắt thép, ngoài mặt hàng cao su dự kiến giao dịch vào cuối năm nay.
Tháng 3 vừa qua, sàn giao dịch hàng hóa Sacom - STE đã tiến hành giao dịch các sản phẩm đường thô và đường tinh với hình thức mua bán giao ngay. Đây cũng là sàn duy nhất trên cả nước giao dịch mặt hàng này.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, mặc dù đơn hàng mua đường, chủ yếu từ các công ty sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, đại lý đường vẫn có đều do nhu cầu sản xuất cuối năm tăng mạnh, nhưng việc đàm phán mua đường từ các nhà máy đường không thực hiện được.
Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long cách đây 2 tuần đã khẳng định nguồn cung mía đường vào giữa tháng 11 chắc chắn sẽ không thiếu khi hầu hết các nhà máy đường ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đều đã bước vào vụ ép. Trong cuộc họp tiểu vùng vừa rồi của Hiệp hội mía đường, các nhà máy đường đã cam kết mức giá đường thô ở kho sẽ ở mức 18.600 đồng/kg.
Giá đường thế giới trên sàn giao dịch London kỳ hạn giao tháng 12-2010 đến tháng 3-2011 hiện tiếp tục đứng ở mức cao, gần 780 đô la Mỹ/tấn.