Ông Trần Văn Điều ở ấp Vàm, xã An Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: Giá mía Cty bao tiêu đầu vụ là 500 đồng/kg loại 10CCS, giá này thì nông dân lỗ là cái chắc. Ông Điều nhẩm tính: Với 7.000m2 mía, ước khoảng 70 tấn, giá như trên thì thu về khoảng 35 triệu đồng.
Trong đó, trừ chi phí đầu tư 1 bao phân DAP, 2 bao phân NPK, tiền giống 700.000 đồng/1.000m2, 1 triệu đồng tiền nhân công, 1 triệu đồng chi phí đốn vận chuyển đến mũi ghe thì chi phí đã đội lên hơn 4 triệu trồng/ha. Nếu mua phân ghi nợ đại lý phân bón là 10%/tháng, tiền lãi ngân hàng 1,75%/tháng thì cầu may thu lại đủ vốn đầu tư sau 9 tháng trồng mía là may. Ông Kim Sóc, nông dân xã Kim Sơn, huyện Trà Cú nói: Giá mía nguyên liệu thấp như hiện tại thì sang năm không ai trồng mía nữa.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ Cty Mía đường Bến Tre bức xúc: Giá đường trên thị trường sẽ quyết định giá mía nguyên liệu. Hiệp hội Mía đường khuyến cáo, giá mua 1 tấn mía loại 10CCS tại ruộng bằng với giá bán của 60kg đường kính trắng loại I trước thuế tại kho NM theo giá thị trường. Và với giá đường trong nước chỉ khoảng 8.500 đồng/kg thì giá mía nguyên liệu đầu vụ chỉ ở mức 500 đồng/kg. Nếu so với Thái Lan thì giá đường trên thị trường vẫn còn thấp hơn 1.500 đồng/kg (tại Thái Lan hơn 10.000 đồng/kg).
Sở dĩ đường Thái Lan nhập lậu có giá thấp hơn đường nội là do Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ bù giá cho các DN XK có số lượng đường thừa sau khi cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chính điều này đường nhập lậu theo biên giới Tây Nam không thể kiểm soát nổi. Nếu không có biện pháp chống đường lậu tích cực thì giá đường trong nước sẽ dậm chân tại chỗ, giá mía nguyên liệu cũng sẽ dậm chân tại chỗ và nông dân sẽ bỏ mía.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, niên vụ mía 2008-2009, cả nước giảm khoảng 23 ngàn ha mía nguyên liệu so với vụ trước. Và theo nhận định của Hiệp hội Mía đường VN, niên vụ 2008-2009 do biến động của giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ tác động bất lợi đến ngành mía đường. Dự báo sản lượng đường công nghiệp đạt khoảng 1,18 triệu tấn, thủ công khoảng 100.000 tấn, trong khi nhu cầu 1,35 – 1,4 triệu tấn và theo cam kết WTO và AFTA, năm 2009 Việt Nam mở cửa NK 60.000 tấn đường.