Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây mía góp phần xóa đói, giảm nghèo ở Sơn Dương
20 | 03 | 2009
Hơn mười năm qua, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương. Trải qua những ngày tháng ngọt bùi hay những lúc đắng cay, cây mía ở huyện vùng cao này đã trở thành cây chủ lực trong việc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của Sơn Dương.

Ðến nay, toàn huyện trồng được hơn bốn nghìn ha mía nguyên liệu và có kế hoạch trong vài năm tới, tăng lên năm nghìn ha. Chị Nguyễn Thị Dược, nông dân xã Phú Lương cho biết, năm nay, do thời tiết hanh khô, nên năng suất chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha, trừ chi phí về giống, phân bón, công lao động, mỗi ha mía cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng. Những hộ trồng bốn, năm ha, mỗi vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng.


Chủ tịch UBND xã Phú Lương Mai Thế Cường cho biết, trước đây, người dân Phú Lương chủ yếu trồng sắn, giá cả không ổn định, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Hơn 10 năm nay, nhiều hộ gia đình trong xã đã khai thác những vùng đất đồi, đất hoang hóa, đất trồng sắn chuyển sang trồng mía. Năm 2003, xã mới có 30 ha trồng mía, đến nay đã tăng lên hơn 400 ha. Cả diện tích, năng suất và sản lượng mía của xã Phú Lương đều tăng lên nhanh chóng. Mỗi năm, thu nhập từ cây mía của Phú Lương hơn 10 tỷ đồng. Nguồn thu nhập này chiếm tới 80% tổng thu nhập từ các nguồn của xã. Nhờ cây mía, đời sống của nông dân trong xã được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được xây dựng, mở mang nhiều hơn. Cũng từ cây mía, nhiều hộ dân trong xã đã xây được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi...


Ðể có được sự phát triển ổn định, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, lãnh đạo huyện Sơn Dương xác định huyện phải "đi bằng hai chân" - tức là thâm canh tăng năng suất diện tích cây lương thực và trồng mía để xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Về thành công của cây mía Sơn Dương, có thể nói nhân tố quan trọng là sự đồng hành của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương. Nhà máy đã có những chính sách đầu tư ưu đãi cho vùng trồng mía. Công ty ứng vốn cho làm đất, mua giống, phân bón... để bà con yên tâm sản xuất. Mỗi ha trồng mía, tùy theo trồng mới hay trồng lại, nhà máy đều có hỗ trợ từ vài triệu đồng đến gần mười triệu đồng/ha. Mỗi năm công ty đầu tư cho vùng mía gần 30 tỷ đồng. Ðến nay, có 32 xã chuyên trồng mía nguyên liệu để bán cho công ty với diện tích hơn 4.200 ha, trong đó huyện Sơn Dương có 28 xã với hơn 11 nghìn hộ trồng mía. Thu nhập  vùng mía huyện Sơn Dương ước đạt gần 90 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sơn Dương cũng vì thế mà giảm đi nhanh chóng từ 10% năm 1998, đến nay chỉ còn hơn 2%.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường