Các nhà máy đường tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh sẽ được hoàn chỉnh thiết bị để hoạt động hết công suất. Các tỉnh khuyến khích người trồng sử dụng các giống mía có nguồn gốc Việt Nam đã được tuyển qua trồng khảo nghiệm.
Trong nhiều năm qua, diện tích mía tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 52.000-72.000ha. Đến niên vụ 2009-2010, diện tích trồng mía tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 52.500ha, sản lượng đạt khoảng 3,8 triệu tấn, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng (tổng công suất 23.000 tấn/ ngày) hoạt động trong thời gian 165 ngày trong năm, ít hơn niên vụ 2008-2009 là 35 ngày.
Do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên đã xảy ra tình trạng tranh mua mía ngày càng quyết liệt, đẩy giá mía cây tăng cao, có lúc lên tới gần 1 triệu đồng mỗi tấn.
Giá cao như thế nhưng người trồng mía không thu lợi được nhiều vì ngay từ đầu đa số rẫy mía đã được thương lái trả tiền mua trước với giá không cao.
Từ năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương có diện tích mía lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long phân bổ diện tích mía nguyên liệu cụ thể, giám sát chặt việc mua mía nguyên liệu; ngăn chặn tình trạng tranh mua mía nhưng kết quả không như mong muốn vì chưa khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu.