Theo báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, niên vụ 2008 – 2009, cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 105.750 tấn mía/ngày. Công suất trung bình của mỗi nhà máy là 2.643,75 tấn mía/ngày. Đại diện hiệp hội Mía đường cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá đường trong nước tăng là do niên vụ 2008 – 2009, người dân nhiều nơi đã bỏ mía sang trồng các cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Có một số nơi như Nghệ An, cây mía đã bị sâu bệnh tàn phá, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng mía.
Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo tháng 8, lượng đường tại kho nhà máy còn là 158.600 tấn và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan còn 21.000 tấn. Như vậy tổng lượng cung về đường trong nước còn 179.600 tấn. Trong khi đó, theo dự báo của hiệp hội Mía đường trong các tháng 7, 8 và 9, lượng đường tiêu thụ trong nước ước khoảng 182.700 tấn.
Giải thích về tình trạng giá đường tăng vọt, ông Võ Thành Đàng, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, do vụ mía năm nay tại Ấn Độ và một số nước mất mùa, khiến giá đường giao dịch tại thị trường thế giới đã lên mức gần 600 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, những năm trước đây, vào thời điểm này đường từ các nước “ồ ạt” chảy vào Việt Nam, nhưng năm nay do giá đường thế giới và Việt Nam không có chênh lệch nhiều, thậm chí giá đường Trung Quốc còn cao hơn giá trong nước nên các doanh nghiệp cũng không nhập đường về.
Cây mía kém cạnh tranh
Sản xuất mía của Việt Nam trong năm năm vừa qua biến động liên tục trong xu hướng giảm. Diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2008 – 2009 theo ước tính sơ bộ từ tổng cục Thống kê vào khoảng 271.100ha. Do thời tiết năm 2008 không thuận lợi, đồng thời dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả vật tư, phân bón, lương thực tăng vọt (trong đó đặc biệt là giá sắn nguyên liệu tăng rất mạnh) đã khiến nông dân chuyển một phần diện tích canh tác mía sang trồng sắn khiến diện tích trồng mía niên vụ 2008 – 2009 giảm tới 7,6% so với niên vụ 2007 – 2008. Trong nước, tổng cầu đường toàn quốc niên vụ 2008 – 2009 vào khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng sản xuất năm nay cũng như tồn kho năm ngoái chỉ đạt khoảng hơn 1,15 triệu tấn.
So với năm 2000 là năm cuối cùng trong “Chương trình một triệu tấn đường”, diện tích trồng mía năm 2008 đã giảm tới 10,32%. Bình quân giai đoạn 2001 – 2008, diện tích trồng mía cả nước giảm 1,13% mỗi năm. Diện tích trồng mía hàng năm biến động tăng giảm không theo quy luật rõ ràng mà chủ yếu là do biến động về giá mía nguyên liệu tác động lên quyết định trồng hay không trồng mía của nông dân. Xu hướng giảm diện tích trồng mía trong giai đoạn 2001 – 2008 cho thấy thu nhập từ trồng mía không có tính cạnh tranh so với thu nhập từ các loại cây trồng khác.
Năng lượng sạch: tương lai ngành mía đường
Có những bất cập về mặt cơ cấu trong các khâu dọc chuỗi giá trị ngành mía đường Việt Nam. Ở khâu nguyên liệu, do điều kiện thời tiết, các yếu tố thuỷ lợi và cơ giới hoá cũng như phát triển giống mía mới còn hạn chế, nên người nông dân không mặn mà với việc trồng mía. Do đó, tổng sản lượng mía chỉ đạt 9,65 triệu tấn, chỉ đủ sản xuất 950.000 tấn đường. Ở khâu sản xuất, do thiếu nguyên liệu, đa số nhà máy mía đường chỉ chạy trong vụ tháng 11 – tháng 5, ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của ngành. Ở khâu bán buôn, vào thời điểm tháng 8 này, hầu hết nhà máy và công ty chế biến đường, đặc biệt ở phía Nam, đã tung hàng ra bán gần như cạn kho, lượng hàng tồn kho ở miền Bắc và miền Trung dồi dào hơn đôi chút đang có xu hướng chảy vào thị trường phía Nam nhằm phục vụ cho mùa sản xuất hàng Trung thu. Hiện nay, giá đường đến tay người tiêu dùng đã tăng khoảng 20 – 30% tuỳ chủng loại. Theo một số công ty ngành đường, mặt bằng giá đường quý 4 sẽ còn cao hơn quý 3 và có khả năng xu hướng giá tăng sẽ kéo dài trong vòng 3 – 5 năm tới. Lý do chủ chốt là thay đổi cơ cấu nguyên liệu do sử dụng mía cho năng lượng sạch trên thế giới.
Với thực trạng này, những công ty sản xuất đường nếu phát triển được nguồn nguyên liệu ổn định so với mặt bằng chung sẽ có ưu thế trong việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Những lợi nhuận đem lại từ mía đường sẽ làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, chấm dứt điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng”.