Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau trái mùa tết ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đắt vườn, ế chợ?
11 | 02 | 2015
Dù nhiều năm nay, rau trái đua nhau rớt giá trong dịp cận tết, thậm chí năm sau còn trầm trọng hơn năm trước, các ngành chức năng vẫn chưa có được những giải pháp cải thiện hữu hiệu.

 Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa

 
Vụ tết năm nay trồng 2 công sà lách, lỗ trắng tay, nhưng anh Nguyễn Văn Hóa (xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang) vẫn xuống giống tiếp cải sà lách với hy vọng sẽ trúng giá bằng cái lý tự suy luận: “Sau thua lỗ, ít người dám trồng, khan hiếm hàng, giá sẽ cao”. Tuy nhiên đó cũng là lựa chọn duy nhất sau khi chuyển 2 công đất lúa sang trồng màu. Nhà có 2 công ruộng, nhưng do lúa thường xuyên mất giá, khó bán” nên anh Hóa chuyển sang trồng màu với hy vọng sẽ khấm khá hơn. Thế nhưng 5 năm qua, gia đình anh còn gánh thêm nỗi lo triền miên do giá rau màu trồi sụt thất thường. Những người thuê đất lại càng khốn khó hơn. Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới) cho biết: “Do lúa liên tục mất mùa, rớt giá, gia đình thuê 1 công đất trồng màu với giá 3,5 triệu đồng/năm, như một cách tự tạo việc làm”. Nhưng chị Tuyết liên tiếp đối mặt với nạn rau màu đua nhau rớt giá. “Thường ngày, lợi nhuận mỗi vụ chỉ đủ ăn qua ngày, nên mỗi lần thua lỗ giá trong mùa tết thế này, làm cả năm vẫn chưa bù lại được” - chị Tuyết thành thật kể: “Lỗ hoài nên chủ đất thương tình giảm tiền thuê khi giảm 500.000, lúc 1 triệu đồng/năm”. Đó cũng là tình cảnh mà hàng nghìn hộ trồng màu ở ĐBSCL đang hứng chịu.
 
Tương tự, thấy trồng lúa lợi nhuận thấp, anh Nguyễn Văn Hai (Tân Hòa, H.Phú Tân, An Giang) đầu tư tiền cải tạo ruộng để trồng dưa hấu. Và để chớp thời điểm “vàng” trong năm, anh Hai dồn công sức, tiền của trồng vụ dưa tết, nhưng chỉ được thương lái đồng ý mua 2.000đ/kg, tức thấp hơn 200 - 500đ/kg so với giá thành, anh vẫn phải chấp nhận.
 
Đáng lo hơn, không chỉ có người dân tự phát làm mà nhiều địa phương cũng đang phát động phong trào chuyển đổi đất lúa sang rau màu và cây ăn trái, nên hệ lụy là thiếu các bước đầu tư đáp ứng dẫn tới khả năng “giẫm đạp lên nhau” ở đầu ra trong thời gian tới ngày càng nghiêm trọng hơn.
 
Đi không nỡ,  ở không xong 
 
Đến nay, cả anh Hóa, anh Hai và chị Tuyết đều nhận ra thực tế phũ phàng: Không dễ để quay trở lại cây lúa trong bối cảnh giá lúa bấp bênh như hiện nay. “Sở dĩ thời gian qua sự chuyển đổi đất lúa sang trồng màu, rau trái chưa mang lại hiệu quả như mong đợi là do thiếu quá nhiều thứ để nông dân an tâm sản xuất với chất lượng đầu ra cao. Và, một khi chất lượng hàng hóa không cao thì khó nâng được giá” - Th.S Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - chia sẻ.
 
Theo Th.S Tuyên, chuyện nông dân tự phát chuyển đổi cây trồng là thực tế không thể chối cãi, nhưng sẽ không đầy đủ nếu cho đây là nguyên nhân gây ra sự “hỗn loạn” của thị trường rau, trái trong dịp tết nói riêng và quanh năm nói chung. “Đến nay người trồng rau, trái ở ĐBSCL chưa được tiếp cận nhiều về công nghệ sau thu hoạch. Và hệ lụy là mỗi khi dội chợ là rau nhanh chóng biến thành rác” - Th.S Tuyên nhấn mạnh. Đáng lo hơn là do vẫn chưa có quy hoạch và lộ trình cụ thể cho toàn vùng nên các địa phương cũng tự phát phát động nhà nông, nhưng lại thiếu phương tiện kiểm soát, điều tiết. “Thông thường, phải đến khi kết thúc năm, ngành chức năng mới “nắm” được diện tích, sản lượng rau, trái. Điều này không chỉ đồng nghĩa để nhà nông “rơi tự do” về đầu ra mà còn không giúp họ “né” được nguy cơ dội chợ”. Ông cho biết thêm: “Hiện nay đầu ra nhiều mặt hàng nông sản trông cậy vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhưng đây là thị phần tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Điển hình là mặt hàng dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Nước này có 8 tháng nhập khẩu dưa hấu VN, nhưng 4 tháng còn lại (tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) lại xuất khẩu dưa hấu với giá thấp hơn giá thành trồng tại VN. “Vì vậy, nếu vào thời điểm này trồng nhiều dưa hấu là cầm chắc mất giá”.
 
Tạo điều kiện để nông dân ĐBSCL chủ động chuyển đổi đất lúa để tăng khả năng lợi nhuận là rất cần thiết. Nhưng nếu không có giải pháp hỗ trợ công bằng và hữu hiệu, rau, trái khó tránh khỏi việc gục ngã thảm hại ở đầu ra. Khi đó, nông dân hết đường lùi.


Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường