Tuy nhiên, khi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo qui định, đối tác đặt hàng với số lượng lớn, lại xuất hiện nỗi lo không đủ sản lượng đáp ứng. Trong khi đó, tư tưởng "ăn xổi ở thì" vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nông dân đã trở thành những cản ngại cho trái cây ĐBSCL trên đường xuất ngoại...
Có chất lượng, nhưng...
Trong 9 loại cây ăn trái đặc sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) qui hoạch phát triển ở vùng ĐBSCL, có 5 loại gồm: bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình (Vĩnh Long), bưởi da xanh ruột hồng, sầu riêng Ri-6 và sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận "bảo hộ thương hiệu hàng hóa".
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: "Cây ăn trái đặc sản vùng ĐBSCL chỉ chiếm 7,24% về diện tích và gần 8% về sản lượng cây ăn trái cả nước. Tại Việt Nam, xuất khẩu xoài rất được quan tâm hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa tiếp cận được với các vùng tiêu thụ chính trên thế giới". Theo tiến sĩ Dư, do những đảm bảo sản lượng và an toàn trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chi phí vận chuyển cao nên xoài Việt Nam chưa tiếp cận được những thị trường trên. Hiện xoài được trồng nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang (5.320 ha), Đồng Tháp (5.822 ha), Hậu Giang (4.448 ha), Vĩnh Long (3.866 ha), Kiên Giang (3.500 ha), Trà Vinh (3.000 ha), Bến Tre (1.996 ha)...
Ngoài ra, một số loại cây đặc sản khác như cam sành, bưởi, măng cụt, vú sữa Lò Rèn... diện tích trồng phân tán, nhỏ lẻ. Diện tích cam sành toàn vùng khoảng 28.687 ha, sản lượng: 208.234 tấn, chiếm 35% diện tích và 37,8% sản lượng cam- quýt cả nước; được phân bố nhiều ở Bến Tre (12.824 ha), Tiền Giang (7.620 ha), Vĩnh Long (7.354 ha), Hậu Giang (6.903 ha), TP Cần Thơ (6.358 ha), Trà Vinh (3.036 ha), Sóc Trăng (2.509 ha), Đồng Tháp (2.142 ha)... ĐBSCL có khoảng 14.234 ha trồng bưởi, tập trung phần lớn ở tỉnh Vĩnh Long (5.947 ha), Tiền Giang 3.732 ha, Bến Tre 2.406 ha... Mặt khác, tỉnh Bến Tre có đến 4.228 ha trồng măng cụt, chiếm gần 77% diện tích của cả nước... Mặc dù, ở ĐBSCL có 5 loại trái cây được xây dựng thương hiệu hẳn hoi, nhưng việc đáp ứng đơn đặt hàng lớn chẳng dễ dàng gì.
Hợp tác xã (HTX) bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), hoạt động từ tháng 4-2007 với 47 hộ xã viên và 50 ha chuyên canh bưởi Năm Roi. Tháng 5-2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phối hợp với Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam cùng tổ chức GTZ (Đức) hỗ trợ HTX sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Eurep GAP (Global GAP). Qua nhiều lần kiểm tra nghiêm ngặt, vừa qua, Tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam đã chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia trên diện tích 23,49 ha. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ nhiệm HTX, khẳng định: "Đây là niềm vui lớn nhất của nông dân trồng bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa, cũng là niềm tự hào của nông dân ĐBSCL. Nếu kiên trì, chịu khó thì người nông dân có thể sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Global GAP là "giấy thông hành" cho nông sản thâm nhập vào thị trường thế giới, đặc biệt là 2 thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Từ đây mối lo lắng lớn nhất về đầu ra của chúng tôi sẽ được giải tỏa".
Ở HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), để đạt tiêu chuẩn Global Gap, Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng hướng dẫn nông dân trồng vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn, sạch và có hệ thống kho lạnh bảo quản sau thu hoạch... và đã được Hiệp hội trái cây châu Âu trao giấy chứng nhận đạt chuẩn Global Gap. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nói: "Lần đầu tiên HTX tiếp cận với cách canh tác mới. Nông dân quen làm ăn kiểu nhỏ lẻ nên rất ngỡ ngàng và phải học lại từ đầu, từ cách bón phân, tỉa lá, thu hoạch cho đến việc lập nhật ký sản xuất. Kết quả của qui trình mới, nông dân giảm gần 50% chi phí và sản phẩm thu hoạch tăng hơn 30% so với không áp dụng quy trình mới này"... Đầu tháng 1-2009, nhà máy đóng gói của HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP. Mới đây, HTX được Bộ Nông nghiệp Mỹ ký duyệt và trao chứng nhận nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Đây là nhà máy đóng gói đầu tiên của vùng ĐBSCL đạt tiêu chuẩn này, hiện cả nước mới có 5 nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ. Đây là những tin vui cho việc phát triển và xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL.
... Không đủ sản lượng
Trên thực tế các vùng sản suất trái cây đặc sản của ĐBSCL đạt tiêu chuẩn Global Gap đang đứng trước nhiều thách thức: sản lượng hạn chế, khó mở rộng diện tích, tập quán sản xuất cũ vẫn tồn tại trong một bộ phận nông dân, thiếu vốn đầu tư...
Đơn cử như HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang đối mặt với tình trạng thiếu sản phẩm để đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ nhiệm HTX, cho biết: "Lúc này không có hàng nên chúng tôi tạm ngưng gần 1 tháng nay. Trong khi đó, đơn đặt hàng về dồn dập. Tháng trước, khách hàng ở TP Hồ Chí Minh yêu cầu HTX cung ứng 70 container bưởi Năm Roi (1 container khoảng 16 tấn) để xuất khẩu sang châu Âu nhưng lực bất tòng tâm, vì HTX không đủ số lượng. Dù bưởi trong xã Mỹ Hòa nhiều, nhưng chọn trái đạt chuẩn thì không đủ". Toàn xã Mỹ Hòa hiện có 1.220 ha bưởi Năm Roi (mỗi ha cho 30 tấn trái/năm) với hơn 700 hộ trồng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, HTX chỉ có 26 hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global Gap với 23 ha. Theo ông Nghĩa, đáp ứng đơn đặt hàng lớn phải mở rộng diện tích trồng trong dân, nhưng để đạt tiêu chuẩn qui định, không phải ai cũng làm được! Mặt khác, nông dân không có vốn và HTX cũng không đủ vốn để đầu tư cho nông dân, do ngoài sự hỗ trợ, bình quân mỗi hộ phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng để đầu tư qui trình sản xuất và công trình phụ.
Trong khi tháng 9-2009 tới đây, các tổ chức thẩm định quốc tế sẽ đánh giá và sát hạch lại tiêu chuẩn Global Gap (do chứng nhận chỉ có giá trị trong 1 năm). Ông Nghĩa trăn trở: "Thời gian hỗ trợ của dự án đã kết thúc, HTX không biết lấy đâu ra 4.500 USD để làm chi phí đánh giá lại qui trình tiêu chuẩn Global Gap. HTX rất muốn hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để đầu tư cho nông dân sản xuất rồi thu lại sản phẩm... nhưng tìm rất khó". Mặt khác, giá bán của trái bưởi đạt chuẩn Global Gap chỉ cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với bưởi thường khiến nhà nông băn khoăn!
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, phản ánh: "Hiện HTX có 94 xã viên với 52,4 ha trồng vú sữa Lò Rèn, trong số này chỉ 19 hộ đạt chứng nhận Global Gap với 7 ha, giá tiêu thụ luôn cao hơn 5.000-6.000 đồng/kg so với bên ngoài. Đầu ra rất khả quan, sau khi chào hàng, các thị trường Nga, Hà Lan, Nhật... đều chấp nhận. Do vậy, để đáp ứng đơn đặt hàng lớn cùng tiêu chuẩn khắt khe là vấn đề mà hầu hết các vùng chuyên canh cây ăn trái ở ĐBSCL rất lo ngại. Có trái cây chất lượng, nhưng số lượng lại hạn chế. Đầu năm 2009, có đối tác đặt 16 tấn vú sữa xuất khẩu nhưng chúng tôi không dám nhận". Theo ông Ngàn, vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang tới 2.500 ha tập trung ở 19 xã, nhưng diện tích sản xuất trên nông hộ chỉ từ 2.000m2 đến 1 ha, do vậy không thể mở rộng lên 200-300 ha áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cùng lúc được, mà phải vận động người trồng và ban đầu chỉ mở rộng 40-50ha.
Hàng năm, cả nước có khoảng 6,5 triệu tấn trái cây, trong đó, ĐBSCL chiếm hơn 46%. Gần đây, một số loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL đã thâm nhập vào những thị trường nước ngoài như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) triển vọng tiêu thụ trái cây nhiệt đới cho thập kỷ tới sẽ tăng 24%. Dự tính, tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới đạt 3,6 triệu tấn vào năm 2014, trong đó 81% (2,6 triệu tấn) được xuất từ các nước phát triển. Mỹ được dự báo là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là EU, hai thị trường này chiếm 70% nhu cầu nhập khẩu của thế giới, kế đến là Nhật Bản. Đây là cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL...