Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây Việt cần Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ
22 | 04 | 2010
Hôm qua, 20 - 4, trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam lần 1, tỉnh Tiền Giang và Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Trái cây Việt Nam, cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đánh giá, việc phát triển cây ăn quả lâu nay vẫn phổ biến theo phong trào, nên tình trạng trồng - chặt thường xuyên xảy ra. Ngoại trừ một số cây ăn quả tập trung chuyên canh như: thanh long, dứa và mãng cầu ở Tây Ninh, vải thiều ở Bắc Giang, còn lại là ruộng vườn manh mún, mỗi nông hộ chỉ có diện tích vườn từ một đến vài ngàn mét vuông nhưng lại trồng nhiều loại cây khác nhau. Nên việc phát triển những vùng chuyên canh trái cây và đầu tư thương hiệu để xuất khẩu là rất khó.

Bên lề hội thảo, ông Phạm Tiến Hùng, cán bộ Sở NN&PTNT Tiền Giang nói với PV Tiền Phong: “Ai cũng thấy cái lợi của các vùng chuyên canh cây trái. Thế nhưng lâu nay việc quy hoạch nhiều nơi vẫn hình thức hoặc làm không tới nơi, tới chốn.

Thống kê của Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy: Cả nước có 775.300 ha đất trồng cây ăn quả, chiếm 8,08% so với tổng diện tích đất nông nghiệp và chiếm 23,38% đất trồng cây lâu năm.

Giá trị xuất khẩu các loại trái cây thường xuyên ở mức thấp, năm 2009 đạt giá trị cao nhất cũng chỉ: 344 triệu USD, tăng 2,16 lần so với năm 2000. Do trên 50% vườn cây ăn trái trên cả nước có chất lượng thấp, 75-80% nông dân dùng cây giống không rõ nguồn gốc và trên 50% số hộ nông dân trồng cây không đúng quy trình kỹ thuật.

Nhiều vùng doanh nghiệp đã thực hiện quy hoạch vùng trái cây chất lượng cao nhưng được một thời gian do không có đầu ra nên bỏ rơi nông dân. Vì thế, trái cây trong nước khó cạnh tranh trái cây ngoại, khó đẩy mạnh xuất khẩu”. 

TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói: “Việt Nam có rất nhiều chủng loại trái cây chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu lại quá khó do diện tích trồng tập trung ít, sản lượng không đảm bảo tiêu thụ quanh năm”.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của đơn vị mình, ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ nhiệm HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cho rằng, để thuyết phục nông dân đốn bỏ các vườn cây ăn trái tạp thành lập các vùng chuyên canh là không khó, dù quy mô nhỏ hay lớn. Vấn đề là nhà nước phải hỗ trợ vốn và doanh nghiệp phải ký cam kết gắn bó lâu dài với nông dân.

Ông Phúc cho biết: Toàn xã Ngũ Hiệp có 3.459 hộ, có đến 3.135 hộ trồng sầu riêng, diện tích hơn 1.257 ha, sản lượng 38.000 - 40.000 tấn/năm. Từ trước năm 1992, dân xã trồng lúa không đủ ăn, phải làm thuê kiếm sống, từ khi thành lập vùng chuyên canh và xây dựng được thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp, thu nhập mỗi hộ bình quân 100 - 150 triệu đồng/năm. Vùng chuyên canh ngày càng mở rộng, nông dân làm ăn chuyên nghiệp và lợi nhuận ổn định.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường