Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siết chặt chất lượng 5 loại quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc: Thách thức thành cơ hội
18 | 06 | 2009
Theo biên bản hội đàm về kiểm nghiệm, kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc thì trước ngày 1-7, các doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua xuất khẩu 5 loại quả của Việt Nam gồm: vải thiều, nhãn, dưa hấu, chuối và thanh long sang Trung Quốc sẽ phải có chứng nhận về nguồn gốc rõ ràng và không có hóa chất, dư lượng vượt ngưỡng. Nhiều DN và nhà vườn hiện lo ngại rằng, quy định trên có thể trở thành một rào cản cho nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, nhưng các chuyên gia thì khẳng định ngược lại…

Nguồn gốc rõ ràng

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) Phùng Hữu Hào, ban đầu nhiều DN lo ngại rằng, quy định trên sẽ làm cho việc xuất khẩu 5 loại trái cây sang Trung Quốc khó khăn hơn, song nhìn nhận kỹ thì lại có lợi cho các DN của chúng ta nhiều hơn, bởi nếu làm tốt yêu cầu chứng nhận nguồn gốc và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thì các DN sẽ bán được nhiều hàng hơn thay vì cách buôn bán theo kiểu như đi chợ hiện nay: hàng không hề có nguồn gốc, cứ mang sang Trung Quốc bán, không thể ký trước hợp đồng thu mua, dẫn đến bị tư thương của nước bạn ép giá, rồi tình trạng kẹt rào cản, ùn ứ dọc cửa khẩu lại xảy ra như cơm bữa…

Vải thiều là một trong 5 loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Mặt khác, người Trung Quốc cũng có tâm lý như người Việt Nam, e dè khi chọn lựa một loại quả không rõ nguồn gốc thế nào, trồng ở đâu, chất lượng ra sao. Còn khi tìm được nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng thì khách hàng sẽ an tâm và sử dụng nhiều hơn, mình sẽ bán được nhiều hơn”- ông Hào nói.

Ông Hào cho rằng: “Nhờ việc đăng ký, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng 5 loại trái cây còn giúp việc kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng của hai nước được dễ dàng và chặt chẽ hơn trước đây”.

Chẳng hạn, khi phát hiện một loại hoa quả của Trung Quốc có vấn đề về chất lượng thì cơ quan chức năng của Việt Nam có thể yêu cầu đình chỉ việc nhập khẩu và hàng năm có thể tổ chức các đoàn sang tận Trung Quốc, tìm về tận nơi sản xuất để kiểm tra.

Ngược lại, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc của loại hoa quả bị phát hiện không đảm bảo chất lượng và đề nghị cơ quan chức năng của ta can thiệp hoặc cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Dưa hấu cần có chứng nhận về nguồn gốc rõ ràng và không có hóa chất để dễ xuất sang Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, hiện nay mỗi năm nước ta đang xuất khẩu khoảng 270.000 - 300.000 tấn trái cây, mang lại kim ngạch gần 100 triệu USD. Còn theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD về các loại nông sản (chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản).

Trong khi đó, tiềm năng thị trường còn nhiều, Việt Nam là một vựa trái cây, vào vụ thu hoạch, khoảng 80% trái cây vẫn phải tiêu thụ ở thị trường nội địa, giá trị thấp nên về lâu dài cần phải xây dựng tốt thị trường xuất khẩu.

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Song trên thực tế, hiện ở nhiều nơi, nhiều DN và cả chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức rõ lợi ích của việc đăng ký, chứng nhận nguồn gốc 5 loại trái cây nên việc triển khai khá rề rà, chậm chạp.

Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thì hiện mới chỉ có 31 tỉnh có danh sách các DN, cá nhân gửi về cục để đăng ký xuất khẩu 5 loại quả sang Trung Quốc, đạt gần 50%. Sau ngày 25-6, Bộ NN-PTNT sẽ chốt danh sách để gửi cho cơ quan chức năng của nước bạn về những DN Việt Nam đăng ký và có chứng nhận nguồn gốc xuất khẩu 5 loại trái cây.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, ông Phùng Hữu Hào, lại khẳng định giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận về việc các DN đăng ký xuất khẩu, chứng nhận nguồn gốc sẽ được thường xuyên cập nhật thêm chứ không phải sau khi chốt danh sách vào 1-7 thì các DN, cơ sở khác sẽ không có cơ hội được xuất khẩu 5 loại quả sang Trung Quốc nữa.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thì thủ tục để đăng ký, chứng nhận nguồn gốc khá đơn giản. Hiện Cục Trồng trọt đã có mẫu cụ thể gửi cho các tỉnh để các tỉnh hướng dẫn nhà vườn, DN.

Theo đó, các DN chỉ cần ghi rõ và đầy đủ trên bao bì các lô trái cây xuất khẩu: tên, địa chỉ DN, ngày sản xuất, mục đích sử dụng, ngoài ra còn có thể ghi thêm thương hiệu, vùng miền trồng ra loại trái cây, chẳng hạn vải thiều Lục Ngạn, nhãn Tiền Giang… kèm chứng nhận kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật (Việt Nam) phù hợp quy định của Trung Quốc về các chỉ tiêu an toàn sử dụng đối với hoa quả tươi qua xử lý bề mặt có lượng sử dụng tối đa chỉ là 0,05g/kg và một số quy định khác đã có hướng dẫn.

* * * * *

Không chỉ 5 loại quả mà trong 6 tháng qua, thực hiện theo yêu cầu của nước bạn, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã rất nỗ lực trong việc đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để hoàn thiện các thủ tục nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong đó, từ tháng 3-2009, cục đã hoàn thiện danh sách, địa chỉ cụ thể của 124 cơ sở chuyên xuất khẩu tinh bột sắn và sắn lát sang Trung Quốc để khắc phục tình trạng hàng “núi” tinh bột sắn xuất khẩu bị ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn) và Lào Cai gần 1 tháng trời.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường