Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lục Ngạn: “Cả làng” lo thị trường cho quả vải
10 | 06 | 2009
Lục Ngạn “vương quốc” vải thiều của tỉnh Bắc Giang và của cả nước đang trong những ngày thu hoạch rộ sản phẩm chính vụ. Con đường từ tỉnh lị Bắc Giang lên Lục Ngạn không quá 50 cây số, ngày vải thiều chưa cho thu hái, xe ô tô đi chậm lắm cũng không quá một tiếng đồng hồ.
Nhưng vào lúc vải thiều thu hoạch rộ thế này, nếu đi đúng vào cao điểm buổi sáng phải mất nhiều giờ, vì đường thường xuyên tắc do xe máy và xe ô tô các loại khắp nơi đổ dồn về “chợ đầu mối” (tâp trung ở Phố Kim và thị trấn Chũ) để tiêu thụ vải thiều.

Ưu tiên số 1 cho tiêu thụ quả vải

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải, năm nay Bắc Giang mất mùa vải thiều. Với diện tích trên 40 ngàn ha, năm 2008, Bắc Giang cho sản lượng gần 214 ngàn tấn quả tươi, nhưng năm 2009 này, dự kiến sản lượng vải thiều toàn tỉnh chỉ ước đạt 123 ngàn tấn, bằng khoảng 57% so với năm trước. Trong đó, huyện Lục Nam và “rốn” vải Lục Ngạn do ảnh hưởng của cơn lũ lớn tháng 10 năm ngoái và cũng do thời tiết không thuận nên sản lượng vải thiều của Lục Ngạn dự kiến năm nay chỉ đạt khoảng 40 ngàn tấn gần bằng 50% năm trước và Lục Nam chỉ thu cỡ 25 ngàn tấn, giảm 55% so với năm ngoái.

Do sản lượng mất nhiều, quả vải năm nay dễ tiêu thụ và được giá hơn nhiều so với vụ trước. Tuy vậy, cả tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đều thành lập Ban Chỉ đạo chăm lo điều hành việc tiêu thụ quả vải. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Tống Ngọc Bắc, cho biết: Vải thiều là cây trồng chủ yếu của người dân Lục Ngạn, chiếm tỉ trọng 80% giá trị thu nhập của huyện. Hơn nữa, ngoài tiêu thụ sản lượng vải thiều gần 50% sản lượng của tỉnh, hằng năm “đầu mối” Lục Ngạn còn “ăn” (thu mua) tới hàng chục ngàn tấn vải thiều từ các huyện khác trong tỉnh như: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Yên Dũng, Sơn Động và thậm chí cả Chí Linh (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh). Lượng vải thiều tiêu thụ ở “chợ đầu mối” Lục Ngạn chiếm trên dưới 70% sản lượng của cả tỉnh.

Do đó, UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm số một trong 50-55 ngày ( từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7) là tập trung chăm lo tiêu thụ quả vải, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và thương lái mọi nơi đến thu mua vải thiều. Mỗi phòng ban đơn vị đều được giao trách nhiệm cụ thể theo chức năng. Ví như phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, phòng kinh tế lo hướng dẫn người dân khâu thu hoạch, bảo quản, đảm bảo chất lượng cho quả vải. Đối với ngân hàng, kho bạc… tăng làm thêm cả đêm, cả ngày nghỉ để nhận tiền các nơi chuyển về và làm thủ tục cho doanh nghiệp, thương nhân vay vốn thu mua vải. Thế rồi lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường, thuế…lĩnh trách nhiệm tăng cường công tác an ninh, trật tự, nhất là đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc và chống ép cân, ép giá gây thiệt hại cho những người làm ra quả vải…

Nhiều biện pháp mới về xúc tiến thương mại


Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) Võ Thanh Sang, cho biết: Tuy mất mùa, vải thiều vẫn là loại nông sản có sản lượng và giá trị xếp vào loại lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Do đó, trong chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2009 được UBND tỉnh phê duyệt đã xếp vải thiều là mặt hàng được coi trọng đặc biệt công tác XTTM, mở rộng thị trường. Theo ông Võ Thanh Sang, năm nay tỉnh dành ngân sách đáng kể cho việc tổ chức các đoàn cán bộ đi làm công tác XTTM tăng cường tiêu thụ vải thiều sang thị trường Trung Quốc tại các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, đồng thời còn tổ chức các đoàn mở rộng thị trường cho quả vải tại các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung Tây Nguyên, đặc biệt là chợ đầu mối nông sản hoa quả tại TP.Hồ Chí Minh, tìm đầu mối xuất khẩu quả vải sang Campuchia và Lào; tham gia triển lãm nông nghiệp để giới thiệu tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội. Ngoài ngân sách tỉnh, các huyện có sản lượng vải thiều lớn cũng bỏ ra một khoản kinh phí đáng kể cho XTTM. Ví như, ở huyện Lục Ngạn, theo Chủ tịch Tống Ngọc Bắc, huyện này còn trích ngân sách 300 triệu đồng để làm công tác giới thiệu quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn và hỗ trợ công tác tiêu thụ các sản phẩm: vải thiều tươi, khô và vải chế biến…

Chỉ mong thông tin giá vải Lục Ngạn đúng thực chất

Đó là mong muốn của người trồng vải thiều ở Lục Ngạn nhắn gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng thông qua Chủ tịch UBND huyện Tống Ngọc Bắc. Ông Bắc kể cho phóng viên Báo Công Thương nghe một câu chuyện: Năm ngoái, một số phóng viên lên đến Phố Kim, gặp gỡ, phỏng vấn người trồng vải thiều phản ánh chỉ bán được 1.200 đồng - 1.800 đồng/kg, rồi về đưa ngay lên một số phương tiện báo chí. Vừa đưa chiều tối, thì 11 - 12 giờ đêm các đầu mối ở cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu điện về tới tấp, thắc mắc giá vải thiều Lục Ngạn chưa đến 2.000 đồng/kg, tại sao bán ở cửa khẩu 4 – 5 ngàn đồng và gay gắt đòi chúng tôi phải hạ giá, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và làm thiệt hại rất nhiều cho người nông dân…

Tuy thông tin này phản ánh đúng thực tế giá vải bán ở Phố Kim, nhưng đây chỉ là loại vải thiều loại xấu (quả bé, hạt to) ở các địa phương khác đưa lên “mượn” đất Phố Kim (Lục Ngạn) và “mượn chợ đầu mối” để bán cho những cơ sở sấy khô. Loại vải này không phản ánh đúng thực chất và tính đại trà của vải thiều Lục Ngạn, bởi Lục Ngạn chủ yếu trồng giống vải Thanh Hà: có đặc trưng quả to, hạt nhỏ, mỏng vỏ, cùi dày, ngọt đậm đã được Nhà nước cấp thương hiệu và chỉ giới địa lý. Bởi thế, cùng một thời điểm, cùng một điểm cân, nhưng vải thiều giống Thanh Hà trồng ở Lục Ngạn giá tới 5.000 đồng/kg, nhưng vải thiều từ địa phương khác bán chỉ được 1.800 đồng - 2.000 đồng/kg…

Ông Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn kể lại câu chuyện trên chỉ với mong muốn các cơ quan báo chí giúp cho các địa phương miền núi như Lục Ngạn quảng bá giới thiệu và tiêu thụ tốt hơn các sản phẩm của người miền núi làm ra, trong đó có quả vải. Chủ tịch Tống Ngọc Bắc nhấn mạnh: Chúng tôi chỉ cần giới truyền thông thông tin đúng thực chất, chứ không bảo giá rẻ mà cứ nói là đắt…
 

Theo chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Lục Ngạn Bùi Văn Đông- đơn vị mỗi ngày tiêu thụ 100 tấn vải thiều tươi, trong đó hơn 50 tấn đưa vào chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh và gần 50 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn, thì giá vải thiều Lục Ngạn chính vụ tương đối ổn địn hmột tuần nay. Giá vải thiều loại đẹp xuất khẩu đi Trung Quốc: 10-12 ngàn đồng/ kg; Giá vải đưa bán tại thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội: 6-8 ngàn đồng/kg..(giá thu mua ngày9/6/2009).


Nguồn: Báo Công Thương Điện tử
Báo cáo phân tích thị trường