Anh bạn đồng nghiệp với tôi quê Bắc Giang hơn tuần trước đã khoe: Mới chớm vụ vải thiều mà tủ lạnh mấy trăm lít nhà anh đã chật ních vải, người quê xuống chơi- quà vải; lễ ngày rằm, con cháu đến thắp nhang tổ tiên- lễ vải. Ngõ sâu lối tôi đi làm hàng ngày đường Đê La Thành, Hà Nội đã phải tránh thêm đội xe đạp thồ bán rong vải thiều khá đông đảo, mà nhiều bà đi chợ khéo trả lúc sớm mở hàng thì mua được với giá chỉ 3.000 đồng/kg- quá rẻ, nghĩ đến xót xa người trồng.Lục Ngạn, vải níu vai người
Cây vải được cho là vải tổ trên đất Lục Ngạn đã có tuổi đời 50 năm, thuộc sở hữu nhà ông Nguyễn Đức Trụ, người làng Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Chính ông Trụ là người đã nhân giống triết cành cho họ hàng, làng mạc từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… lên đây làm ăn, lập nghiệp mấy mươi năm trước. Nhưng để biến Lục Ngạn thành kinh đô của loại quả thơm ngọt này, năm 1982, lãnh đạo tỉnh, huyện lúc bấy giờ có chủ trương phủ đất trống, đồi núi trọc bằng 20.000ha cây ăn quả, mà chủ yếu là cây vải, được lấy giống từ Thanh Hà (Hải Dương) lên, với một quyết tâm cao là đưa vùng đất Lục Ngạn vốn nghèo khó lên ấm no, giầu có. Được xác định là cây kinh tế mũi nhọn chủ yếu của huyện, nhiều năm qua, diện tích trồng vải không ngừng tăng nhanh. Người người trồng vải, nhà nhà trồng vải, vải có ở khắp nơi: trên vườn đồi, trong vườn nhà của hàng ngàn hộ dân ở cả 20 xã; các khu hành chính huyện, xã cũng đều được bao quanh bởi những vườn vải thấp cành, trĩu quả xoà thấp chạm vai người. Chỉ 5 năm, 2001-2005, diện tích vải thiều Lục Ngạn đã tăng tới 27,9%, hiện đã đạt trên 19.192ha, trong tổng số 21.976 ha cây ăn quả toàn huyện (gồm vải, hồng, nhãn và một số cây ăn quả khác…), trung bình hàng năm cho sản lượng 50- 70.000 tấn quả tươi và thường chiếm gần 30% giá trị toàn ngành nông nghiệp hàng năm của Lục Ngạn.
Sau nhiều năm lai, ghép, chọn giống, vải thiều Lục Ngạn đến nay đã khá chuẩn về chất lượng cảm quan cũng như dáng vẻ bên ngoài cho một thương hiệu vải thiều Lục Ngạn: Quả to - Chín đỏ - Hạt nhỏ - Cùi dầy, ngọt thơm nhiều nước. Từ năm 2003, Hội làm vườn huyện Lục Ngạn đã có dự án đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, và cũng phải hơn hai năm sau, ngày 17/5/2005, vải thiều Lục Ngạn mới có được tấm giấy thông hành cho xuất xứ hàng hoá của mình.Với tấm giấy chứng nhận đó, lãnh đạo huyện và nhiều hộ trồng vải đang cố gắng tạo ra bước thay đổi lớn trong các phương cách tiêu thụ và làm gia tăng giá trị vải thiều Lục Ngạn, chẳng hạn như quy hoạch vùng vải sạch, an toàn với chỉ tiêu đạt chuẩn về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… và đảm bảo sạch trong khâu thu hái. Tuy nhiên những nỗ lực như vậy vẫn khó vượt qua được sức ép thời vụ quá ngắn khi vải vào mùa thu hoạch.
Dồn sức cho tiêu thụ vải
Sản lượng vải Lục Ngạn năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, khoảng 100.000 tấn, với lãnh đạo huyện thời gian này chỉ tập trung lo cho đầu ra của vải, mọi cuộc họp không cần thiết đều hoãn lại, cũng mong Báo Thương Mại chung tay vì một thương hiệu vải thiều Lục Ngạn- Chủ tịch huyện Lục Ngạn Tống Ngọc Bắc nhanh chóng vào việc ngay khi gặp chúng tôi tại UBND huyện. Được biết, trước đó, đích thân đồng chí Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chủ trì cuộc họp tại huyện mà nội dung thời sự cấp bách nhất vẫn là tiêu thụ vải cho nông dân. Có thể nói, mấy năm trở lại đây, Lục Ngạn đã có những ưu ái như… trải thảm với các tổ chức, cá nhân đến đây tiêu thụ vải: các rào cản về phí thu mua; phương tiện vận chuyển, bến bãi đều đã xoá bỏ; huyện bỏ kinh phí để quảng cáo tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin cấp quốc gia; tiếp thị, XTTM tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, các tỉnh thành miền Nam, miền Trung; khuyến khích mở rộng, đảm bảo an toàn cho các điểm thu mua, tiêu biểu là các hộ kinh doanh tạo các điểm mua bán dọc quốc lộ 31, tiêu thụ cả ngàn tấn vải vào ngày cao điểm; cuối vụ huyện có phần thưởng xứng đáng với tổ chức, cá nhân có thành tích cao trong việc hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân trên địa bàn…
Ông Lưu Xuân Hoà- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cho hay, sau khi có giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá vải thiều Lục Ngạn, Hội đã khẩn trương triển khai, hướng dẫn bà con tạo vùng vải sạch, an toàn theo chuẩn Việt Nam, từ khâu chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến khâu thu hái, bảo quản trong quá trình vận chuyển…Tuy nhiên trên thực tế, đây mới chỉ là giai đoạn đầu cho việc hình thành nếp nghĩ, cách làm mới của bà con trong việc nâng cao giá trị hàng hoá của vảI thiều Lục Ngạn
Mất mùa được giá- bài học cung cầu?
Được mùa chưa hẳn đã vui. 100.000 tấn vải mùa vụ này, so với vụ mất mùa năm ngoái chỉ 52.000 tấn chắc chắn sẽ tạo sức ép tiêu thụ rất lớn và tất nhiên giá luôn đi ngược lại với nguồn cung. Hiện ở Lục Ngạn đang thu hoạch vụ vải chín sớm, chiếm từ 20-25% diện tích trồng vải toàn huyện, đến đầu tháng 5 âm lịch số diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch vải chính vụ và vụ muộn. Mới vào vụ sớm, dọc quốc lộ 31 đường vào thị trấn Chũ, những điểm mua bán cũng như đang mở hết công suất đóng hàng, những lô vải vỏ chưa chín đỏ là để vận chuyển tiêu thụ phía nam hoặc đưa bán qua Trung Quốc. Trúng vụ thì lại có nhiều hộ dân bán sớm, 2000đ/kg là hoà, coi như lấy công làm lãi ở thời điểm hiện tại. Vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ở 3 loại sản phẩm hàng hoá chính: quả tươi, vải sấy khô và vải chế biến đóng hộp. Cả tỉnh Bắc Giang hiện mới có 3 đơn vị chế biến nông sản đóng hộp, sản xuất hàng năm chỉ đạt gần 1,5 ngàn tấn sản phẩm khi vẫn rất khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, mặt hàng vải sấy khô (kể cả xuất xứ từ địa phương khác) cũng chưa thực sự hút khách, khi người tiêu dùng đang có quá nhiều sự lựa chọn mua hoa quả tươi rất phong phú đến từ nhiều nước trên thế giới thời kỳ hội nhập. Qua đó cũng cho thấy việc giải quyết đầu ra cho quả vải tươi mùa trúng vụ này của Lục Ngạn “ căng” đến mức nào. Về bán vải tươi qua biên giới phía Bắc, Chủ tịch Tống Ngọc Bắc không khỏi trăn trở: Lượng và nhịp độ mua hàng của thương nhân Trung Quốc rất khó lường, vải là giống quả rất khó bảo quản, độ tươi tự nhiên sau hái chỉ được vài ngày, đây cũng là điểm yếu để họ ép giá, gây hiện tượng dồn ứ cả mạng thu hái, tiêu thụ toàn huyện.
Vậy lợi ích của người nông dân được đảm bảo đến đâu? Một hội viên của Hội Nông dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho hay: Thừa, ế là không có, chỉ có bán được giá hay không thôi. Anh trả lời mộc mạc khi chúng tôi hỏi chuyện tiêu thụ vải của bà con trong xã. Năm ngoái, Lục Ngạn mất mùa, sản lượng chỉ được hơn nửa so với ước tính năm nay một chút, nhưng giá bán lại hơn gấp đôi so với thời điểm này. Anh còn cho biết thêm, số lãi gia tăng mà gia đình anh có được còn ở chỗ giảm đáng kể chi phí thuê nhân công thu hái. Nhẩm ra, ở thời điểm hiện tại, giá bán 2000đ/kg, trừ công thuê hái 500-600đ/kg, cơm thợ 3 bữa cùng bao chi phí chăm bón khác, người trồng vải ở Lục Ngạn năm nay sẽ còn lãi và tích luỹ được bao nhiêu, sau cả năm trông trời, trông đất, trông mưa ? Cũng thấy lo, bởi đây mới ở thời kỳ vụ sớm, mới chỉ gần 1/3 lượng vải… xuống phố.
25 năm đã qua kể từ khi huyện Lục Ngạn chính thức đưa cây vải thiều là cây chủ lực xoá đói, giảm nghèo, đời sống của người dân nói chung, trong đó có người nông dân trồng vải theo năm tháng có những bước đổi thay đáng kể. Cây vải cũng đang góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ nghèo gần 8% mỗi năm trên toàn huyện. Tuy nhiên, từ thoát nghèo tiến lên ấm no, giầu có là cả một chặng đường dài. Khi cây vải vẫn đang có một vị trí rất lớn trong đời sống kinh tế của huyện thì bài toán tìm đầu ra, đồng thời gia tăng giá trị cho vải thiều Lục Ngạn không chỉ là công việc riêng của huyện miền núi này.