. Phóng viên: Thưa ông, Bộ NN - PTNT có nắm được tình hình người trồng rau Đà Lạt và Hà Nội đang phải nhổ bỏ vườn rau do không bán được và giá bán thấp hơn giá thành?
- Ông Phạm Đồng Quảng: Tôi chưa nghe thấy việc này ở Đà Lạt nhưng Hà Nội thì đúng là có. Việc này ở Hà Nội cũng thường diễn ra, vì đây là thời điểm cuối của vụ rau chính nên phải chuyển sang vụ rau mới, giải phóng đất để cấy lúa nên phải thu hoạch hết. Nhưng năm nay có nghiêm trọng hơn, đặc biệt là nhóm rau ăn lá, do sau trận ngập lịch sử, Hà Nội mất trắng diện tích giống rau dài ngày nên bà con trồng nhiều rau ăn lá để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, thừa chủ yếu là nhóm rau ăn lá.
. Nhưng thực tế các vùng rau ngoại thành Hà Nội lại là vùng chuyên canh rau, bà con chỉ sống nhờ vào loại nông sản này, kể cả su hào bà con cũng phải bỏ chứ không phải rau lá?
- Trồng nhiều dẫn đến cung vượt cầu, bà con phải bỏ, để lâu cũng không được. Nhưng cũng có phần là rau vụ đông ở Hà Nội năng suất cao.
. Người dân phản ánh, khi Hà Nội thiếu rau chính quyền đã hô hào bà con trồng, làm cho vùng không có truyền thống trồng rau cũng hào hứng làm theo. Nay cung vượt cầu chỉ có bà con chịu thiệt?
- Chỉ đạo cụ thể là do Sở NN - PTNT Hà Nội. Có một lý do nữa là vấn đề thị trường, khi người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng rau dẫn đến cắt giảm nhu cầu, tiêu thụ cầm chừng. Đây là lý do vẫn còn tồn tại trong thời gian tới.
. Việc cầm chừng sẽ không thể nhiều đến mức bà con khốn đốn vì rau không bán được với số lượng lớn. Vấn đề ở đây là quy hoạch và công tác khuyến nông, thưa ông?
- Hiện người dân đã cắt giảm 1/3 nhu cầu ăn rau, vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm (?), đây là bài toán cần phải giải. Bộ NN-PTNT chỉ có định hướng chung, còn giao cho các tỉnh, TP thực hiện. Hiện Lào Cai đã có quy hoạch vùng rau, Hà Nội cũng mới bắt đầu.
. Nhưng trách nhiệm của Bộ NN - PTNT mà trực tiếp là Cục Trồng trọt phải lập quy hoạch vùng sản xuất, phải có khuyến cáo đối với nông dân?
- Bộ NN - PTNT có khuyến cáo nhưng phải đi từng bước. Nói thì dễ nhưng làm không đơn giản, phải có cả một quá trình và điều quan trọng là phải gắn kết với thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng chỉ yên tâm khi mua rau có địa chỉ, chứng nhận chất lượng và có người chịu trách nhiệm khi có sự mất an toàn.
. Quy hoạch, tổ chức sản xuất như ông nói còn phải chờ mà thiệt hại của nông dân đang tái diễn thường niên, vậy trách nhiệm thuộc về ai?
- Các địa phương, cơ quan Nhà nước cần phải kịp thời rút kinh nghiệm, phải có khuyến cáo sớm cho bà con. Nan giải là hô hào, khuyến cáo nhưng nông dân trồng cây gì là quyền của họ. Khuyến nông chỉ là định hướng, nông dân phải nắm bắt thị trường để có cân đối. Khuyến nông phải bám sát, phải có điều chỉnh, khuyến cáo.
. Khuyến nông đến cấp xã mà vẫn bó tay là sao, thưa ông?
- Chỉ định hướng chủ trương còn từng hộ trồng bao nhiêu sào thì không thể làm được. Không chỉ rau mà sắn, mía... vẫn trồng rồi bỏ đi. Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ đang có vấn đề.
. Vẫn chỉ là hô hào chủ trương và thiệt hại vẫn tiếp diễn vì nông dân thiếu kiến thức thị trường mà chẳng cơ quan Nhà nước nào chịu sẻ chia?
- Cần phải luật hóa. Rất khó để bắt trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, vì họ có lý lẽ là đã khuyến cáo.
. Vậy là phải chờ sau này có đủ chế tài mới mong gắn được trách nhiệm?
- Cũng khó, vì sản xuất nông nghiệp là sản xuất nhỏ. Ngay cả các nước phát triển cũng phải chấp nhận rủi ro và có quỹ dự phòng khắc phục.