Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất nông sản “sạch”
27 | 02 | 2009
Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim sau khi đạt chuẩn GlobalGAP đã được xuất sang nhiều nước châu Âu

Sản phẩm làm ra không đủ bán, giá thành cao, nông dân có lãi lớn, đó chính là đặc điểm của mô hình sản xuất nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc).

Từ vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, lúa gạo Mỹ Thành (Tiền Giang) cho đến bưởi năm roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), xoài cát Hòa Lộc Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ)..., giờ đây danh sách các mặt hàng nông sản sản xuất đạt chuẩn theo mô hình trên đang ngày một dài ra.

Trái nhãn lên ngôi

Nhiều nông dân ở ĐBSCL còn nhớ những năm 2000, nhiều người ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... đua nhau chặt bỏ vườn nhãn để trồng cây ăn trái khác do giá thấp và đầu ra khó. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ giữa năm 2008 khi Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức đánh tiếng muốn nhập khẩu nhãn và chôm chôm VN. Các chuyên gia của bộ này cũng đã đến tận vùng chuyên canh nhãn Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) để khảo sát, xây dựng vùng nguyên liệu tiêu chuẩn GlobalGAP.

Nắm bắt cơ hội này, ông Nguyễn Xuân Huy - giám đốc DNTN Ngọc Ngân (huyện Cái Bè, Tiền Giang) - đã đầu tư trồng thử nghiệm 5ha nhãn tiêu Huế theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Đồng thời thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức ECIB (European Chamber of International Business), DN Ngọc Ngân tiếp nhận thiết bị xử lý sau thu hoạch có thể bảo quản trái nhãn tươi tới 50 ngày.

“Đầu vào” được đầu tư tốt, ông Huy bắt đầu mở rộng mạng lưới tiếp thị nhãn tươi sang thị trường Trung Quốc, EU... Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thương hiệu nhãn Ngọc Ngân của VN nhanh chóng được thị trường Trung Quốc chấp nhận và chào hàng thành công ở châu Âu. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, hiện mỗi ngày DN này xuất khoảng 4 container (tương đương 112 tấn) nhãn. Đặc biệt, ngày 17-2, Ngọc Ngân và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tinh Vệ Gia (Trung Quốc) đã ký hợp đồng xuất khẩu độc quyền nhãn Ngọc Ngân sang thị trường Bắc Kinh với tổng sản lượng 120.000 tấn trong năm 2009.

Còn tại thị trường châu Âu, ngày 21-2 ECIB cũng chính thức ký hợp đồng nhập khẩu nhãn Ngọc Ngân vào thị trường châu Âu, mỗi ngày một container 28 tấn để tiêu thụ tại Anh và Pháp.

Với những hợp đồng xuất khẩu có giá cả ổn định trên, DN Ngọc Ngân cam kết với lãnh đạo Sở NN&PTNT Tiền Giang sẽ ký hợp đồng thu mua nhãn của nông dân với giá sàn 8.000 đồng/kg (giá thị trường hiện tại là 6.000 đồng/kg). Đặc biệt, khi giá nhãn tăng thì DN cũng sẽ tăng theo, đảm bảo luôn cao hơn giá thị trường từ 1.500-2.000 đồng/kg.

Trước cơ hội vàng của trái nhãn, ngày 18-2 UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định đầu tư sản xuất 150ha nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè để tạo vùng nguyên liệu cho DNTN Ngọc Ngân. DN này cũng chủ động đầu tư thêm 250ha nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại cồn Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), đáp ứng nhu cầu 200 tấn nhãn/ngày để xuất khẩu.

Không lo đầu ra

Thật ra mô hình sản xuất nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế với sự tham gia đầu tư và bao tiêu sản phẩm của DN được một số địa phương triển khai rầm rộ từ năm 2008. Từ trái thanh long Bình Thuận đã được cấp “visa” vào thị trường Mỹ đến vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (một đặc sản của tỉnh Tiền Giang) hiện không đủ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang châu Âu, sau khi được cấp chứng nhận GlobalGAP cuối năm 2008.

Nắm bắt cơ hội này, từ giữa năm 2008 đến nay UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định đầu tư mạnh cho sản xuất nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế có liên kết với DN để đảm bảo đầu ra. Ông Nguyễn Văn Phòng, phó chủ tịch UBND tỉnh, nói đây là cách tốt nhất để giúp nông dân thoát khỏi cảnh không biết nông sản làm ra sẽ bán cho ai, không biết giá cả thế nào, không biết lãi hay lỗ. Và chỉ có làm theo cách này mới giúp nông sản VN vươn ra thị trường thế giới nhiều hơn, giá trị được nâng lên cao hơn.

Theo TS Lê Hữu Hải - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, sản xuất nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn GlobalGAP mang lại hàng loạt giá trị hữu hình lẫn vô hình cho nông dân. Đối với sản phẩm lúa gạo Mỹ Thành (vừa được cấp chứng nhận GlobalGAP vào tháng 2-2009), canh tác theo tiêu chuẩn này giảm được chi phí đầu tư nhiều do không sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân hợp lý, gieo sạ ít giống..., giá luôn cao hơn thị trường 20%, nên lợi nhuận của nông dân đạt trung bình tới 30 triệu đồng/ha/năm.

Và điều quan trọng là khi sản xuất “sạch” thì môi trường nước, đất, không khí và sức khỏe người nông dân không bị gây hại bởi thuốc hóa học. Từ kết quả này, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí quyết định xuất ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc vay sản xuất 500ha lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP ngay từ vụ hè thu tới. Sở NN&PTNT đồng thời triển khai thêm hai điểm sản xuất lúa GlobalGAP tại huyện Gò Công Tây (xã Bình Nhì hoặc Thạnh Nhựt) và Cái Bè (xã Hậu Mỹ Trinh) với mục tiêu từng bước nhân rộng mô hình sản xuất lúa gạo cao cấp xuất khẩu.

Hiện nhiều loại nông sản có thế mạnh của tỉnh Tiền Giang như sơri Gò Công, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm và nhãn Tân Phong đang được tỉnh và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để đáp ứng các đơn đặt hàng của thị trường Mỹ và nhiều nước khác. Về thủy sản, đầu tháng 3-2009 vùng nuôi cá tra ở Hòa Hưng, huyện Cái Bè sẽ được Úc cấp chứng nhận SQF1000 với những tiêu chuẩn tương tự GlobalGAP ở nông sản.




Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường