Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chè trái vụ ở Phúc Xuân
04 | 12 | 2008
Với diện tích 200ha chè vụ đông mỗi năm, sản lượng đạt 200 tấn, người dân xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên đã thu được hơn 20 tỷ đồng. Xã đã vận động các nông hộ tích cực tham gia thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn, bắt đầu từ khâu chăm sóc, thu hái và chế biến.
Vào đông, nhưng đồi chè nhà ông Nguyễn Khoa Điềm, xóm Xuân Hoà xã Phúc Xuân vẫn nảy búp, xanh mỡ màng. Ông cho biết: Để gần 15 sào chè của gia đình cho thu hái vào vụ đông, cách đây hơn 3 năm, tôi đã thuê máy về đào giếng lấy nước phục vụ việc bơm, tưới. Mỗi vụ chè đông gia đình tôi được 3 lứa, đạt hơn 3 tấn búp tươi, tương đương với hơn 600 kg chè búp khô, thu gần 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Huân, cán bộ khuyến nông xã Phúc Xuân cho biết: Xã Phúc Xuân có 15 xóm, gần 1.200 hộ, 4.780 nhân khẩu. Cây chè được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, toàn xã hiện có 350 ha chè, hàng năm cho sản lượng trên 1.050 tấn búp khô, khoảng 80% số hộ trong xã đời sống kinh tế chủ yếu trông vào cây chè, nên từ nhiều năm nay nông dân của xã đã quan tâm hơn tới việc đầu tư cho làm chè vụ đông, bởi chè được giá. Từ cuối tháng 9, sau khi hái tận thu lứa chè cuối vụ, một số hộ đã cúp phớt tán để làm chè vụ đông.

Với nông dân Phúc Xuân, làm chè đông rất thuận lợi bởi nguồn nước khá dồi dào nhờ công trình hồ Núi Cốc, hồ Cây Si, suối Đá và hàng chục ao nhỏ, giếng khoan. Từ các nguồn nước này, hơn 400 hộ dân trong xã đã đầu tư mua máy bơm và lắp đặt đường ống dẫn nước lên đồi tưới chè. Điển hình về làm chè đông như các hộ ông Ngô Viết Thuận, xóm Núi Nến làm 13 sào; gia đình ông Lý Văn Dùng, xóm Xuân Hòa làm gần 3 sào; hay hộ ông Nguyễn Tiến Đào, xóm Cao Trãng làm gần 5 sào chè đông. Gia đình bà Đào Thị Hải, xóm Cây Si có 3 sào chè, bà cho biết: So với chè chính vụ, chè đông chậm búp hơn, mất thời gian từ 40 đến 45 ngày được 1 lứa hái. Trung bình vụ đông chè được hái 3 lứa, nhưng chè đông mang lại giá trị kinh tế cao hơn (từ 100.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg). Tuy nhiên so với chè chính vụ, việc đầu tư cho làm chè vụ đông giảm hơn 20% lượng phân bón, 50% lượng thuốc trừ sâu; gần 30% lượng củi cho 1 lần sao xấy... tổng cộng mỗi sào chè vụ đông tiết kiệm được hơn 100.000 đồng/lứa.

Với diện tích 200ha chè vụ đông mỗi năm, sản lượng đạt 200 tấn, người dân xã Phúc Xuân đã thu được hơn 20 tỷ đồng. Song để chè vụ đông thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, xã đã vận động các nông hộ tích cực tham gia thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn, bắt đầu từ khâu chăm sóc, thu hái và chế biến. Hầu như các nông hộ đã quen với việc sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng phân chuồng, phân xanh để chăm bón cho cây chè. Do vậy, đất đai được cải tạo, nhiều hộ còn mạnh dạn phá bỏ diện tích chè già cỗi để trồng thay thế bằng chè cành giống mới, năng suất cao.


Nguồn: Báo Thái Nguyên
Báo cáo phân tích thị trường