Nhưng không phải vì thế mà nông dân "chết" theo nhà máy bởi có tới 5 doanh nghiệp tư nhân đảm bảo thu mua hết nguyên liệu cho bà con. Bài học lớn nhất rút ra từ dự án này là mối liên kết "4 nhà" quá lỏng lẻo đã khiến dự án không được như kỳ vọng ban đầu.
Nông dân bỏ doanh nghiệp...
Nằm trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp - nông thôn và miền núi, cây càphê đã lên Sơn La trong sự hy vọng của người dân cũng như lãnh đạo các cấp. Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La được thành lập đúng thời điểm đó (năm 1996) để trợ giúp nông dân vốn, giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Thời gian đầu, cây phát triển tương đối tốt và ổn định, nhưng khi bước vào thời kỳ thu hoạch, càphê đã “vấp” phải sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Sương muối đã làm hàng nghìn hecta càphê không ra quả và chết dần, thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Sau 4 năm liền mất trắng, từ sự háo hức ban đầu, người dân chán nản và bỏ mặc càphê. Nhận trách nhiệm là đơn vị trợ giúp, Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La tiếp tục hỗ trợ vốn cho bà con trồng mới và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để càphê mang lại hiệu quả cao nhất. Để hoàn thành được “trọng trách” đó, Công ty phải nhờ đến sự trợ giúp về vốn của 4 tổ chức (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Hỗ trợ và Phát triển, nguồn vốn AFD của Pháp).
Diện tích càphê dần được khôi phục, từ năm 2000 đến nay, cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, dịch hại, cho năng suất cao. Thu nhập của người dân ngày càng ổn định, có hộ thu 100-200 triệu đồng/năm từ càphê. Giá trị bình quân 1ha đất trồng càphê cho thu nhập 25-30 triệu đồng/năm. Khi bắt đầu được hưởng lợi, nông dân lại quay lưng với doanh nghiệp, họ không thực hiện cam kết bán càphê trả nợ Công ty mà lợi dụng tình thế đó bán sản phẩm ra ngoài cho thương lái với giá cao hơn. Thực tế đó đã đẩy Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La vào thế khó...
Diện tích tăng nhưng doanh nghiệp sắp phá sản
Năm 2007, tỉnh Sơn La chủ trương trồng mới 300ha càphê, tập trung ở huyện Mai Sơn và thị xã Sơn La, nâng tổng diện tích càphê toàn tỉnh lên 3.500ha. Tuy nhiên, Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La lại đang trên bờ phá sản. Ông Vương Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Do nợ đọng vốn đầu tư trồng càphê trong dân quá lớn (83 tỷ đồng, trong đó 52 tỷ đồng không có khả năng thanh toán), dẫn đến tình trạng Công ty đang bên bờ vực phá sản, không thể cổ phần hoá.
Trong một vài năm trở lại đây, Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La bắt đầu có sản phẩm càphê xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được nhiều bạn hàng chấp nhận. Việc phá sản Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La là để xử lý vốn nợ đọng trong dân mà Công ty đang nợ các ngân hàng không có khả năng thanh toán. Hiện, Công ty đang có kế hoạch trình UBND tỉnh Sơn La cho phép tuyên bố phá sản, đồng thời thành lập mới công ty càphê theo hướng cổ phần hoá để tiếp tục hoạt động, nhằm duy trì đầu mối làm ăn với các bạn hàng nước ngoài và chăm sóc vùng nguyên liệu đã đầu tư cho nông dân.
Khả năng phá sản của Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La đang cận kề. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến người trồng càphê, bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 5 doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh càphê có đủ khả năng mua toàn bộ sản lượng càphê sau thu hoạch.
Câu chuyện về cây càphê Sơn La một lần nữa nhắc chúng ta về mối liên kết “4 nhà” lỏng lẻo, khi nào lối tư duy tiểu nông, thiếu gắn kết, chia sẻ lợi ích còn tồn tại, khi nào lộ trình liên kết còn chưa được thắt chặt, khi ấy sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ở vào tình trạng “dở khóc dở cười” như Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La.
Sơn La hiện có 3.500ha càphê, do 7.200 hộ trồng, trong đó có 2.400ha đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt 25.000 tấn càphê tươi. Tháng 4/2007, Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La đã xuất khẩu 115, 2 tấn càphê nhân sang thị trường Mỹ với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng. Đây là lô hàng thứ 2 được Công ty xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch năm 2007, Công ty phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu càphê 1, 2 triệu USD. |